(KTSG) - Hầu hết các nhận định đều cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được “hâm nóng” trong tháng 3-2023 là nhờ Nghị định 08/2023 hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề về trả nợ.
- Hơn 26.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong tháng 3
- Ngân hàng Nhà nước thanh tra 11 ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Dần “tan băng” trong tháng 3
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trong hai năm 2020 và 2021 với khối lượng phát hành lần lượt gần 462.000 tỉ đồng và 658.000 tỉ đồng. Động lực tăng trưởng của kênh huy động vốn này đến từ cả hai phía. Phía cung ghi nhận nhu cầu vốn của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng tăng mạnh, còn phía cầu là nhu cầu mua trái phiếu để hưởng lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm của nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành TPDN và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số nhà phát triển bất động sản lớn vào khoảng giữa năm ngoái, thị trường TPDN đã chững lại đột ngột. Theo đó, khối lượng phát hành năm 2022 chỉ đạt 255.000 tỉ đồng. Còn riêng trong tháng đầu năm 2023 thì thị trường có duy nhất một đợt phát hành thành công với giá trị huy động đạt 110 tỉ đồng trước khi dần có các dấu hiệu “tan băng”.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đã huy động được hơn 24.700 tỉ đồng từ kênh TPDN trong ba tháng đầu năm 2023. Trong đó, các đợt phát hành tập trung chủ yếu vào tháng 3, sau khi Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế có hiệu lực (từ ngày 5-3-2023).
Cụ thể, có khoảng 23.800 tỉ đồng TPDN được phát hành thành công từ sau nghị định này, chiếm 96% khối lượng phát hành trong quí đầu năm. Trong khi, giai đoạn năm tháng trước, doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu chỉ đạt không quá 2.000 tỉ đồng mỗi tháng. Tuy vậy, nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đứng ngoài kênh đầu tư này do vấn đề “khủng hoảng” niềm tin. Theo đó, gần như toàn bộ trái phiếu phát hành trong quí đầu năm (99,99%) được hấp thụ bởi nhóm nhà đầu tư tổ chức, trong đó các ngân hàng nắm giữ 77%.
Thách thức mà doanh nghiệp phát hành phải đối mặt vẫn còn rất lớn trong ba quí còn lại của năm nay. Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) ước tính khoảng 113.000 tỉ đồng TPDN đáo hạn từ nay đến hết năm 2023 có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Trong số này, các công ty liên quan đến bất động sản với dòng tiền và nguồn tiền mặt yếu sẽ gặp rủi ro cao nhất.
Các doanh nghiệp bất động sản là chủ thể chính trong các đợt phát hành khi chiếm tới 98% khối lượng trái phiếu (khoảng 23.000 tỉ đồng) trong tháng 3. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khoảng bốn doanh nghiệp bất động sản đã phát hành các lô trái phiếu với giá trị lớn trong tháng vừa qua, với lãi suất 6-13%/năm.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên là doanh nghiệp huy động được các lô trái phiếu giá trị lớn thời gian gần đây. Doanh nghiệp này huy động thành công 7.200 tỉ đồng trái phiếu với kỳ hạn một năm nhưng không có thông tin cụ thể về lãi suất. Pháp nhân này mới được thành lập cách đây một năm, tiền thân là Công ty TNHH Masterise Hưng Yên.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living cũng đã huy động được 4.800 tỉ đồng thông qua lô trái phiếu kỳ hạn năm năm, lãi suất 9%/năm. Tiền thân, trước khi kinh doanh bất động sản, của Luxury Living là Công ty TNHH Masterise Living, thành lập tháng 3-2020.
Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An cũng chào bán thành công 4.700 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất 13%/năm. Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam cũng phát hành thành công 4.695 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất 13%/năm.
Ngoài ra, trong tháng 3 còn có Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas phát hành thành công lô trái phiếu 2.300 tỉ đồng, kỳ hạn năm năm, với lãi suất 6%/năm. Mức lãi suất này khá thấp nếu so sánh với các lô trái phiếu phát hành khác cùng thời gian.
Trợ lực đến từ Nghị định 08
Hầu hết các nhận định đều cho rằng thị trường TPDN dần được “hâm nóng” trong tháng 3-2023 là nhờ Nghị định 08/2023 hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề về trả nợ. Cụ thể, trước đây doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành, nhưng quy định mới sửa đổi cho phép kéo dài thời hạn của trái phiếu thêm tối đa hai năm.
Trong trường hợp trái chủ không đồng ý thay đổi này, doanh nghiệp “phải có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư”. Nếu quá trình đàm phán vẫn không đạt kết quả như mong đợi, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với trái chủ theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố.
Với trái phiếu chào bán trong nước, nếu doanh nghiệp không thể thanh toán đầy đủ và đúng hạn nợ gốc, lãi bằng tiền đồng theo phương án công bố trước đó thì có thể đàm phán với trái chủ để thanh toán bằng những tài sản khác. Điều này cần đảm bảo nguyên tắc là trái chủ chấp thuận và doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường, chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản dùng để thanh toán.
Nghị định mới ban hành cũng tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Theo quy định cũ, để mua TPDN phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư cá nhân cần nắm giữ danh mục chứng khoán (không bao gồm giá trị vay ký quỹ) tối thiểu 2 tỉ đồng trong 180 ngày.
Quy định cũ về thời gian phân phối trái phiếu không quá 30 ngày (kể từ khi công bố thông tin đợt chào bán) cũng không còn hiệu lực thi hành. Điều này cho phép doanh nghiệp có thêm thời gian tìm kiếm nhà đầu tư, tăng khả năng thành công cho đợt chào bán.
Tuy vậy, trên thực tế, thách thức mà doanh nghiệp phát hành phải đối mặt vẫn còn rất lớn trong ba quí còn lại của năm nay. Bộ Tài chính cho biết trong quí 1-2023, có 69 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỉ đồng. Trong đó, 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho HNX với khối lượng khoảng 9.600 tỉ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).
Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đánh giá khối lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tăng lên từ quí 2-2023 trở đi. Đơn vị này ước tính khoảng 113.000 tỉ đồng TPDN đáo hạn từ nay đến hết năm 2023 có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Trong số này, các công ty liên quan đến bất động sản với dòng tiền và nguồn tiền mặt yếu sẽ gặp rủi ro cao nhất.