Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghị quyết 15: vẫn thiếu giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghị quyết 15: vẫn thiếu giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa

Đinh Tuấn Minh

EVN hiện chưa thoái hết vốn tại Ngân hàng An Bình. Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG) - Ngay trong những tháng đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu quyết tâm thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hai năm 2014-2015. Ngoài ra, sẽ kiên quyết thực hiện lộ trình thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính của các DNNN.

Giải quyết được việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6-3-2014, ngoài việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ hoặc các tỉnh về tiến độ cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đã đưa ra những định hướng cụ thể để thực hiện mục tiêu này.

Điểm mấu chốt nhất của nghị quyết này là cho phép DNNN được thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp cởi nút thắt cản trở việc thoái vốn diễn ra trong mấy năm vừa qua trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự khởi sắc.

Bên cạnh điểm quan trọng trên, Nghị quyết đã cho phép các DNNN được chủ động trong việc xây dựng phương án thoái vốn. Thứ nhất là cho doanh nghiệp được quyền chủ động thoái vốn như đấu giá cổ phần công khai tại các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chào bán ra công chúng số cổ phần mà DNNN đã đầu tư tại các công ty đại chúng.

Việc thoái vốn diễn ra nhanh hơn nhưng có thể khiến cho tỷ lệ cổ phần của Nhà nước nắm giữ không giảm vì nó chỉ chuyển từ các doanh nghiệp nhà nước sang các đầu mối chủ quản khác thuộc nhà nước.

Thứ hai, đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đại diện chủ sở hữu. Và thứ ba, giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng nếu sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu trên mà vẫn thoái vốn không thành công.

Với nội dung như vậy, hoàn toàn có thể hy vọng rằng sau năm 2015, các DNNN sẽ thoái được toàn bộ vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không thuộc chức năng và nhiệm vụ của mình.

Chưa có giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa

Tuy nhiên, Nghị quyết 15 vẫn chưa đề xuất được các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh CPH các DNNN. Các giải pháp nêu trên chỉ giúp cho việc thoái vốn diễn ra nhanh hơn, nhưng có thể khiến cho tỷ lệ cổ phần của nhà nước nắm giữ không giảm. Nó chỉ chuyển từ các DNNN sang các đầu mối chủ quản khác thuộc nhà nước.

Nghị quyết 15 chưa đưa ra được giải pháp để giải tỏa mối ưu tư lớn nhất của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Đó là tình trạng CPH không triệt để tại các DNNN. Mặc dù đã chuyển thành công ty cổ phần, nhưng nếu Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, các cổ đông tư nhân tham gia góp vốn sẽ rất khó điều hành và phát triển doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết 15, đa phần các DNNN sẽ quyết định tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước sẽ nắm giữ nhưng không quá 65%. Tuy nhiên, nghị quyết cũng đưa ra những trường hợp ngoại lệ. Đó là tập đoàn Bảo Việt và các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (trừ VietinBank) và các DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp theo Quyết định số 929/QĐ-TTg. Những trường hợp ngoại lệ này sẽ được xem xét sau năm 2015.

Nghị quyết 15 chưa đưa ra được giải pháp để giải tỏa mối ưu tư lớn nhất của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Đó là tình trạng cổ phần hóa không triệt để tại các doanh nghiệp nhà nước.

Nếu như  tỷ lệ nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp sau CPH vẫn còn lên tới gần 65% hoặc hơn nữa thì việc điều hành các doanh nghiệp cổ phần này về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh “bình mới rượu cũ”. Tuy khoác áo doanh nghiệp cổ phần nhưng những nhân sự chủ chốt tại các doanh nghiệp này có thể vẫn sẽ là những người do các bộ chủ quản hoặc UBND tỉnh cử xuống nắm giữ. Với tình trạng đó, việc thu hút vốn của tư nhân ắt sẽ gặp khó. Và nếu như không thu hút được vốn đầu tư tư nhân thì tốc độ CPH sẽ bị chậm lại. Có thể Nhà nước sẽ vẫn buộc phải nắm giữ trên 65% cổ phần tại rất nhiều DNNN sau CPH ngay cả khi Nhà nước không muốn.

Cần thêm giải pháp thu hút tư nhân đầu tư

Có thể Chính phủ không muốn thoái vốn với khối lượng lớn trong khoảng thời gian nhanh. Một phần vì lý do duy trì quyền kiểm soát tại các các lĩnh vực ngành nghề trọng yếu. Một phần khác vì sợ bán vốn nhà nước với giá rẻ. Cả hai mục tiêu này đều cản trở việc thu hút tư nhân tham gia góp vốn và thay đổi mô hình quản trị DNNN.

Để giải quyết mâu thuẫn này, Chính phủ nên phân khu vực DNNN làm hai loại. Loại thứ nhất là các DNNN mà Chính phủ xác định là nhất thiết phải nắm giữ quyền kiểm soát. Khi đó tỷ lệ nắm quyền sở hữu của Nhà nước sẽ gắn liền với quyền kiểm soát. Việc thu hút vốn của tư nhân tham gia vào các DNNN thuộc loại này chỉ có tính chất như hình thức hợp tác công tư (PPP) trong đầu tư phát triển các dịch vụ hàng hóa công ích. Trong trường hợp này, để hấp dẫn nhà đầu tư, Chính phủ cần xác định rõ mức lợi nhuận và rủi ro mà tư nhân sẽ phải gánh chịu khi tham gia đóng góp cổ phần là gì. Nhà đầu tư ở đây thường sẽ là các nhà đầu tư tổ chức, đóng vai trò là cổ đông chiến lược, hơn là các nhà đầu tư đại chúng.

Loại thứ hai là các DNNN mà Chính phủ xác định là sẽ không nắm quyền kiểm soát nhưng muốn thoái vốn theo cách để đảm bảo lợi ích lớn nhất cho Nhà nước. Với các DNNN thuộc loại này, Chính phủ có thể tiến hành CPH đồng loạt, trong đó bán khoảng 5-10% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, và khoảng 5-10% cổ phần cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ từ 80-90% cổ phần.

Với tỷ lệ cổ phần bán ra không nhiều trong lần đầu như thế, Chính phủ có thể chấp nhận định giá thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp để thu hút nhà đầu tư tham gia. Mục đích chính là chuyển các DNNN này thành các doanh nghiệp cổ phần. Từ đó trở đi, giá trị của doanh nghiệp sẽ được thị trường quyết định.
Mặc dù nắm giữ tỷ lệ cổ phần rất lớn như vậy, Chính phủ sẽ không nắm toàn bộ quyền kiểm soát doanh nghiệp. Hãy để cho các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ cổ phần nhiều nhất điều hành các hoạt động kinh doanh như là các doanh nghiệp tư nhân. Đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp này có lẽ chỉ quyết định các vấn đề liên quan đến cơ cấu vốn như thoái vốn hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tỷ lệ vay mượn tại các tổ chức tín dụng.

Để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia điều hành các DNNN sau CPH, Chính phủ nên xác định rõ lộ trình sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi các doanh nghiệp này ngay từ đầu. Chính phủ cũng nên đưa ra những cơ chế khuyến khích chuyển nhượng vốn với giá ưu đãi cho những người quản trị doanh nghiệp đạt hiệu quả cao sau mỗi năm tài chính. Bằng cách này, các nhà đầu tư tư nhân sẽ nỗ lực điều hành doanh nghiệp cổ phần theo cách hiệu quả nhất có thể.

Nếu các đề xuất thúc đẩy quá trình CPH như trên được áp dụng, Nhà nước sẽ không những đẩy nhanh được tiến độ CPH, cải thiện được năng lực quản trị tại các doanh nghiệp sau CPH, mà còn đảm bảo thoái được vốn theo giá thị trường với mức giá cao nhất có thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới