(KTSG Online) - Ngày 16-9, toàn bộ thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành ban hành Nghị quyết một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Dự kiến Nghị quyết sẽ được trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1-10 tới.
Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm nay, 16-9, Ủy ban này đã xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch Covid-19. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền để tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ.
Cụ thể như sau: tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 31-12-2021.
Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ cho rằng việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 là cần thiết.
Thừa Ủy quyền của Quốc hội, Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Tài chính, Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra về đề xuất trên của Chính phủ. Ủy ban này nhất trí cần thiết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 như tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Đồng thời cho biết việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 là phù hợp với thẩm quyền được Quốc hội giao.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, “sức chịu đựng” của doanh nghiệp thực sự đã giảm mạnh từ đợt dịch đầu năm 2020. Đặc biệt là từ đợt bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 4 vừa qua. Do đó, cần thiết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét, quyết định để có thể ban hành chính sách này sớm, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, những người dân mà đang rất khó khăn do tác động của đại dịch hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thì chưa có quy định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp các khoản tiền thuế và tiền thuê đất đã được áp dụng trong năm 2020 và thời gian tiếp theo của năm 2021, thì giải pháp về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (theo quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội) đã mang lại hiệu quả hỗ trợ tích cực và được nhiều chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đã đề xuất tiếp tục áp dụng việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của các Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chính phủ đã hoàn chỉnh lại nội dung đề xuất để đảm bảo chính sách nhắm vào đúng đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước.
Nhất trí và những lưu ý
Về cơ bản, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với nội dung tiếp thu này của Chính phủ, vì việc bổ sung thêm điều kiện này góp phần loại trừ được những doanh nghiệp có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 30/2021/QH15. Đồng thời, đây cũng là sự tiếp nối chính sách đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.
Đối với nội dung này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng của đại dịch. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý của ngành thuế, rà soát, xác định rõ phạm vi đối tượng, lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, phù hợp với tình hình thực tiễn, làm cơ sở xây dựng khung chính sách đảm bảo đúng mục tiêu chính sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành thì các loại hình kinh doanh dịch vụ hầu hết đang chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất 10%. Luật cũng không có quy định về việc miễn, giảm thuế.
Để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh đặc biệt là doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tại Tờ trình số 289/TTr-CP, Chính phủ đã đề xuất giảm mức thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế như: vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí…
Về mức giảm, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên.
Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỉ lệ phần trăm trên doanh thu được giảm 30% mức tỉ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên. Thời gian áp dụng kể từ ngày 1-9-2021 đến hết ngày 31-12-2021.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành việc giảm thuế GTGT đối với một số lĩnh vực kinh doanh, trong đó đặc biệt là đối với các dịch vụ vận tải, kho bãi… để kích thích tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong thời gian dịch bệnh.
Về phạm vi áp dụng, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng Chính phủ cũng loại bỏ các hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực như hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sáng tác… ra khỏi phạm vi áp dụng của chính sách giảm thuế GTGT. Vì việc kinh doanh trên nền tảng trực tuyến của những lĩnh vực này vẫn có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh.
Ngoài ra, theo Ủy ban thẩm tra, chính sách hỗ trợ thông qua giảm thuế GTGT có thể dẫn đến không đạt mục tiêu chính sách khi người thụ hưởng thật sự không phải là người tiêu dùng mà là các doanh nghiệp, tổ chức trung gian kinh doanh hàng hóa/dịch vụ. Nhất là trong các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu do các đối tượng nộp thuế này chỉ sử dụng hóa đơn bán hàng. Vì vậy, Chính phủ cần nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quản lý thuế để bảo đảm mục tiêu chính sách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Bộ Tài chính cần làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách. Vì nguồn lực có hạn, do đó phải đảm bảo hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ trong việc triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thống nhất ban hành Nghị quyết để hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn cho tác động nặng nề bởi dịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các nhóm chính sách theo tờ trình của Chính phủ và cho rằng Bộ Tài chính cần tiếp thu các ý kiến được trao đổi để hoàn chỉnh các nội dung trên.
Đối với việc miễn thuế phải nộp của quí 3 và 4 năm 2021 cho các hộ, cá nhân kinh doanh, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải chú ý tới các hộ, cá nhân kinh doanh, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ; phân định các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp theo lĩnh vực, chính xác, phù hợp.
Về giảm thuế giá trị gia tăng từ 1-10-2021 đến 31-12-2021 cho một số lĩnh vực, dịch vụ, ông Hải cho rằng, Chính phủ cần rà soát trong các lĩnh vực đang đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng để loại trừ không giảm cho một số hoạt động xuất bản phần mềm, các hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ hàng hóa trên nền tảng trực tuyến. Đồng thời, Nghị quyết cần thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức thực hiện để đảm bảo giảm thuế giá trị gia tăng đạt được mục tiêu là người tiêu dùng được hưởng chính sách.
Sau khi toàn bộ các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành ban hành Nghị quyết nêu trên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khẩn trương hoàn chỉnh Nghị quyết xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1-10-2021.