(KTSG Online) - Chiều 23-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” với 421/423 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
- Dời bãi rác hơn 67.000 tấn chắn ngang cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
- 3.800 tỉ đồng xây dựng khu công nghiệp dược – sinh học đầu tiên tại Việt Nam
Nghị quyết đánh giá, trong giai đoạn 2015-2021, thị trường bất động sản chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm lại không đồng đều, tập trung chủ yếu vào phân khúc cao cấp và đầu tư, khiến cho nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân không được đáp ứng đầy đủ, TTXVN đưa tin.
Giai đoạn cuối, thị trường bất động sản du lịch, lưu trú gặp phải nhiều rào cản pháp lý, khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi dịch COVID-19 bùng phát.
Đến năm 2022-2023, thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cung, đi kèm với đó là sự tăng giá chóng mặt., khiến nhiều người dân khó tiếp cận được với nhà ở, trong khi các nhà đầu tư đối mặt với rủi ro cao. Hàng loạt dự án "đắp chiếu" không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm gia tăng chi phí cho người mua nhà.
Theo đó, nghị quyết của Quốc hội về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” quyết nghị giao Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp.
Để triển khai hiệu quả Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm khắc phục những hạn chế, tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, ổn định, thúc đẩy hoạt động đầu tư và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường công tác theo dõi, nghiên cứu và dự báo để kịp thời đưa ra các giải pháp điều tiết, góp phần ổn định và lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
Trong quá trình điều tiết thị trường bất động sản, cần tôn trọng quy luật thị trường, song song đó, phải đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng hoặc đóng băng.
Mục tiêu là tạo ra một thị trường đa dạng về sản phẩm, cân đối cung cầu, đặc biệt ưu tiên cung cấp nhà ở cho người dân có thu nhập thấp và trung bình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, cần có các giải pháp căn cơ để ổn định giá cả, ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường.
Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Quốc hội giao Chính phủ tập trung giải quyết dứt điểm các dự án gặp vướng mắc pháp lý. Các giải pháp cần dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để các dự án được triển khai trở lại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.