Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý Leontief và nền kinh tế Việt Nam

Bùi Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lý thuyết Heckscher-Ohlin (còn gọi là lý thuyết H-O) cho rằng một quốc gia sẽ xuất khẩu những hàng hóa mà sử dụng nhiều hàm lượng những nhân tố dồi dào tại nước đó và nhập khẩu những hàng hóa mà sử dụng nhiều hàm lượng những nhân tố khan hiếm tại nước đó.

Như vậy, lý thuyết H-O cố gắng giải thích mô hình thương mại quốc tế ta chứng kiến trên thị trường thế giới. Giống như lý thuyết của Ricardo, lý thuyết H-O cho rằng thương mại tự do sẽ mang lại lợi ích.

Tuy nhiên, khác với lý thuyết của Ricardo, lý thuyết H-O lại lập luận rằng mô hình thương mại quốc tế được xác định bởi sự khác biệt về mức độ sẵn có của các nhân tố sản xuất hơn là bởi sự khác biệt về năng suất lao động.

Lý thuyết H-O được xem là một trong những lý thuyết có mức độ ảnh hưởng rộng lớn trong kinh tế học quốc tế. Hầu hết các nhà kinh tế học đều thích áp dụng lý thuyết này hơn so với lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo bởi vì nó sử dụng ít giả thiết, đơn giản hóa hơn.

Và cũng vì lý do có tầm ảnh hưởng lớn, lý thuyết này được kiểm chứng bởi nhiều kiểm tra thực nghiệm khác nhau. Bắt đầu bằng nghiên cứu được công bố vào năm 1953 bởi Wassily Leontief (người đạt giải Nobel về kinh tế học vào năm 1973), nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã đặt vấn đề về tính đúng đắn của lý thuyết H-O.

Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong ba năm 2010, 2015 và 2022 có sự sụt giảm mạnh, tỷ trọng này tương ứng là 45,9%; 29,5% và 25,6%. Ảnh: H.P

Người ta cho rằng Mỹ dồi dào tương đối về vốn so với các nước khác nên Mỹ sẽ là nước xuất khẩu những sản phẩm thâm dụng vốn và nhập khẩu những mặt hàng thâm dụng lao động. Vận dụng lý thuyết H-O, Leontief nghiên cứu thực nghiệm cho Mỹ và ông đã phát hiện một kết quả bất ngờ, rằng những sản phẩm xuất khẩu của Mỹ lại là hàng hóa kém thâm dụng vốn so với hàng nhập khẩu của Mỹ. Vì kết quả này trái với những gì mà lý thuyết H-O đã dự báo, nó đã được biết đến với tên gọi Nghịch lý Leontief (1953-Leontief paradox).

Tại Việt Nam, áp dụng ý niệm trên kết quả tính toán cho thấy cầu đầu tư ít lan tỏa đến giá trị tăng thêm nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng, sau đó là xuất khẩu hàng hóa, hai yếu tố này của cầu cuối cùng cũng là yếu tố lan tỏa mạnh nhất đến nhập khẩu; lan tỏa tốt nhất đến giá trị tăng thêm và ít lan tỏa đến nhập khẩu nhất là xuất khẩu dịch vụ.

Trong cả ba giai đoạn (giả thiết bảng cân đối liên ngành (IO) 2012 đại diện giai đoạn 2008-2013, bảng IO 2016 đại diện giai đoạn 2013-2016 và bảng IO 2019 đại diện giai đoạn 2016-2022) đều cho thấy trong các nhân tố của cầu cuối cùng, xuất khẩu dịch vụ lan tỏa tốt nhất đến giá trị tăng thêm và cầu đầu tư lan tỏa thấp nhất đến giá trị tăng thêm.

Chẳng hạn, xuất khẩu hàng hóa 100 đồng giai đoạn bảng IO 2012 là đại diện lan tỏa đến giá trị tăng thêm nội địa là 15,56 đồng. Đến giai đoạn hiện nay - bảng IO 2019 là đại diện, xuất khẩu hàng hóa 100 đồng chỉ lan tỏa đến giá trị tăng thêm nội địa là 14,3 đồng. Lưu ý rằng đến năm 2020 xuất khẩu của công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 95,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đa phần trong đó. Đồng hành với thành tích xuất khẩu của khu vực FDI là luồng tiền chảy ra nước ngoài thông qua chi trả sở hữu cũng tăng mạnh.

Nếu GDP theo giá thực tế năm 2022 so với năm 2010 tăng 3,5 lần thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2022 so với năm 2010 tăng khoảng 5,5 lần. Chi trả sở hữu ra nước ngoài khoảng 20 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022. Năm 2022, xuất siêu của khu vực FDI là 43 tỉ đô la Mỹ thì khoảng một phần hai số đó được chuyển về nước một cách hợp pháp.

Chỉ dựa vào nhập khẩu công nghệ nước ngoài thì cũng sẽ chạm ngưỡng phát triển vì luôn đi sau, luôn tụt hậu. Cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” thực chất là phản ánh tình trạng một nền kinh tế/quốc gia không có năng lực khoa học công nghệ để phát triển, mặc dù rất đông giáo sư, tiến sĩ.

Tính toán từ bảng IO 2012, 2016 và 2019 cho thấy xuất khẩu hàng hóa lan tỏa đến giá trị tăng thêm nhỏ nhất trong các yếu tố của cầu cuối cùng trong nước (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích lũy gộp tài sản, xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ).

Một điều rất đáng quan ngại là độ lan tỏa từ xuất khẩu hàng hóa đến giá trị tăng thêm ngày càng nhỏ; năm 2012 một đồng xuất khẩu lan tỏa đến tổng giá trị tăng thêm 0,56 đồng, đến năm 2016 con số này giảm xuống 0,52 đồng và đến năm 2019 chỉ còn 0,26 đồng.

Nhóm ngành công nghiệp hầu như có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp và lan tỏa đến nhập khẩu cao hơn các ngành khác trong nền kinh tế. Nền công nghiệp Việt Nam thực chất là nền công nghiệp gia công lắp ráp phụ thuộc vào FDI rất lớn, hàm lượng giá trị tăng thêm rất thấp và hàm lượng giá trị tăng thêm mà phía Việt Nam nhận được còn thấp hơn nhiều, nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất.

Trong 10 năm qua, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI tăng trưởng nhanh chóng qua các năm: Năm 2010 đạt 39,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 54,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2015 tăng lên 114,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 70,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; và năm 2022 ước đạt 276 tỉ đô la Mỹ, chiếm tới 74,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu lại diễn biến theo xu hướng ngược lại: trong ba năm 2010, 2015 và 2022 có sự sụt giảm mạnh, tỷ trọng này tương ứng là 45,9%; 29,5% và 25,6%.

Như vậy, nếu không có những đột phá về khoa học thì không phát triển được kinh tế, xã hội. Chỉ dựa vào nhập khẩu công nghệ nước ngoài thì cũng sẽ chạm ngưỡng phát triển vì luôn đi sau, luôn tụt hậu. Cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” thực chất là phản ánh tình trạng một nền kinh tế/quốc gia không có năng lực khoa học công nghệ để phát triển, mặc dù rất đông giáo sư, tiến sĩ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam phần nào chứng minh một hiện tượng có thể gọi là nghịch lý của “nghịch lý Leontief”.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả bỏ qua mẫu khi tính giá trị tương đối trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2010, khối nội chiếm 44%, hay 32 tỷ USD. Đến năm 2022, chiếm 26% trong tổng giá trị xuất khẩu 340 tỷ, tức có giá trị 88 tỷ. Khoảng tăng từ 32 tỷ lên 88 tỷ có phải là do … lạm phát của đồng USD? Hay đó là sự cải thiện về năng suất và chất lượng để hàng hóa của Việt Nam ngày càng cạnh tranh chiếm được nhiều thị phần hơn?

    Sự gia tăng của khối nội đó so với các nước cùng trình độ chúng ta năm 2010 thì sao?
    Chúng ta tăng tốt hơn hay họ tăng tốt hơn?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới