Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý ngành rau quả

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2023 dự kiến đạt 5,6-5,7 tỉ đô la Mỹ, một con số kỷ lục. Thế nhưng, thành tích xuất khẩu chưa từng có đó lại không giúp ích được bao nhiêu cho những người nông dân trồng cam ở đồng bằng sông Cửu Long và người trồng củ đậu ở miền Trung, hiện đang điêu đứng vì giá cam tại vườn rớt thảm xuống còn 1.000 đồng/ký, còn giá củ đậu cũng chỉ có 1.500-1.800 đồng/ký.

Nông sản rớt giá đã là nỗi lo thường xuyên của người nông dân từ hàng chục năm nay. Không khó để nhận ra, các loại nông sản thường bị rớt giá đột ngột hầu hết rơi vào nhóm trái cây và rau củ. Đây là nhóm sản phẩm có đặc điểm chung là có sản lượng tăng đột biến vào mùa thu hoạch chính, không thể bảo quản được lâu và thị trường chủ yếu là nhu cầu ăn trực tiếp, nghĩa là sản phẩm đi thẳng từ vườn tới bàn ăn của người tiêu dùng.

Để không bị rơi vào tình cảnh cứ được mùa thì rớt giá, lâu nay người nông dân chỉ biết trông chờ vào vận may đến từ Trung Quốc - một thị trường có sức tiêu thụ một lượng lớn rau quả tươi chỉ trong thời gian ngắn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến người trồng rau quả ở Việt Nam luôn ở trong tình trạng thấp thỏm lo âu.

Từ nhiều năm trước, các nhà quản lý ngành cũng như chuyên gia về thị trường đã nhận ra điểm yếu này và giải pháp căn cơ cho vấn đề chính là phát triển ngành công nghiệp chế biến để tạo đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa.

Trong thực tế, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam trong những năm qua đã phát triển khá mạnh, với sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp chế biến có quy mô công nghiệp. Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ nước ép trái cây lớn và đang trên đà tăng trưởng. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Statista, năm 2022 Việt Nam tiêu thụ gần 350 triệu lít nước ép trái cây và con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 416 triệu lít vào năm 2026.

Đây lẽ ra đã có thể là chỗ dựa khá vững chắc cho ngành nông nghiệp rau quả của Việt Nam, nhưng thật đáng tiếc là hầu hết sản lượng nước ép trái cây đó lại từ nhập khẩu hoặc sản xuất từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy, ngành công nghiệp chế biến phát triển, cùng với quy mô thị trường tiêu thụ rau quả chế biến ở nội địa ngày càng lớn, trong thực tế, đã không giúp ích được gì nhiều cho người nông dân. Đó là một nghịch lý.

Tất nhiên, doanh nghiệp chế biến cũng có những lý do không thể không lưu tâm khi từ chối nguồn nguyên liệu nông sản trong nước để chọn nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đó có thể là vấn đề chất lượng sản phẩm, độ ổn định của nguồn cung và giá cả...

Vì vậy, để doanh nghiệp và người nông dân có thể hợp tác được với nhau, tạo ra chỗ dựa đáng tin cậy cho người nông dân, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước cho cả hai phía. Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm hỗ trợ về vốn, thuế, chuyển giao công nghệ, tiếp thị và quảng bá thương hiệu sản phẩm... cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để khuyến khích họ sử dụng nguồn nông sản hàng hóa trong nước làm nguyên liệu để chế biến.

Vì các doanh nghiệp này lớn càng nhanh thì chỗ dựa của nông dân càng sớm được củng cố, không còn cảnh phải trông chờ vào vận may từ thị trường Trung Quốc nữa.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nghịch lý luôn tồn tại. Nhưng nghịch lý sẽ lùi xa nếu biết cách ứng xử hợp lý. Nông dân, nông nghiệp, nông thôn, xứng đáng là trụ cột, mãi là nền tảng cứu rỗi nền kinh tế mỗi khi lâm vào tình thế khó khăn. Lâu nay, có một mệnh đề, các học giả mãi tranh luận, nhưng vẫn chưa giải thích thỏa đáng. Đó là, số phận của người nông dân, thăng trầm đến khi nào ? Lúc được mùa thì mất giá. Một nắng với hai sương. Chưa kịp giàu thì đã già… Vấn đề then chốt là ở chỗ, không thể cải thiện đời sống mọi mặt của nông dân, nếu chỉ dựa trên chính lợi tức của nền kinh tế nông nghiệp. Nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra làm nhiệm vụ điều hòa lợi tức của toàn bộ nền kinh tế, điều hướng vào mục tiêu nâng cao phúc lợi vật chất và tinh thần cho nông dân. Đó không chỉ là sự đền đáp xứng đáng cho sự cống hiến của họ, mà còn trả lại sự công bằng chân chính, nhất là trong một xã hội, có văn hóa và văn minh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới