Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghiệp dư đấu với chuyên nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghiệp dư đấu với chuyên nghiệp

Nguyễn Vũ

(TBKTSG Online) - Thế giới mua bán chứng khoán trước đây như một sân chơi cao cấp, những người tham gia thường phải dựa vào một số luật chơi, chẳng hạn dù gì cũng phải dựa vào báo cáo tài chính hàng quý hàng năm của các công ty niêm yết để đánh giá triển vọng giá cổ phiếu của chúng sẽ lên hay xuống.

Nay một thế hệ tay chơi chứng khoán mới xuất hiện, phá bỏ các luật chơi này; họ rủ nhau bơm cổ phiếu nào là giá cổ phiếu đó sẽ tăng vọt như pháo thăng thiên bất kể tình hình thực tế, bất kể sức khỏe tài chính hay triển vọng kinh doanh.

Nghiệp dư đấu với chuyên nghiệp

Canh bạc GameStop

GameStop là một nhà bán lẻ các loại video game, có trụ sở đóng tại Grapevine, Texas, trong tay có chừng 5.000 cửa hàng. Dân bán khống nhắm GameStop để đánh xuống vì họ nghĩ trước sau gì doanh nghiệp này cũng sụp tiệm vì đại dịch làm các trung tâm thương mại nơi GameStop thường mở cửa hàng phải đóng cửa, hơn nữa xu hướng phân phối game qua mạng ngày càng rõ chứ ai lại đến cửa hàng để mua.

Trong khi đó năm 2020 đánh dấu một sự bùng nổ các tay chơi chứng khoán nghiệp dư; họ được các nền tảng giao dịch trực tuyến như Robinhood tạo điều kiện để mua bán chứng khoán như dân chuyên nghiệp. Dân chơi nghiệp dư rảnh rỗi vì đại dịch, tiền nhàn rỗi trong tay không biết làm gì – thế là họ tụ tập trên các diễn đàn trực tuyến như Reddit, kháo nhau nên rót tiền vào đâu để kiếm lời nhanh chóng.

GameStop lọt vào tầm ngắm của họ vì đang bị các quỹ đầu cơ tấn công dạng bán khống. Dân nghiệp dư thường lấy trường hợp công ty Tesla bị bán khống để kháo nhau; nếu dân bán khống không thành công, giá cổ phiếu công ty bị bán khống có thể lội ngược dòng, tăng vọt. Nay họ rủ nhau dùng GameStop như một sàn đấu, đánh bại được các quỹ bán khống, họ sẽ trở thành triệu phú như chơi.

Thế là đầu tuần này, giá cổ phiếu GameStop tăng vọt, từ mức 40 đô la lên thành 365 đô la vào ngày thứ Tư nhưng không vọt lên như một đường thẳng mà cứ dập dình lên rất nhanh sau đó rớt cũng nhanh không kém, cuối cùng vẫn là lên chót vót. Như thế xung quanh cổ phiếu GameStop có hai lực, bên bán khống tìm mọi cách để dìm giá xuống và bên nghiệp dư tìm cách bơm giá lên.

Bình thường các nhà giao dịch tổ chức không coi các tay chơi chứng khoán tài tử là lực lượng đáng để mắt đến nhưng qua vụ GameStop này nhiều nơi đã phải trả giá đắt như quỹ đầu cơ Melvin Capital Management do đánh xuống GameStop mà giá trị quỹ sụt mất 15%; phải cầu cứu hai quỹ khác rót thêm 2,75 tỉ đô la. Các quỹ khác nay thay đổi thái độ, đòi mua vào GameStop thay vì bán khống ra như trước.

Điển hình cho bên bán khống là Citron Research do Andrew Left điều hành; ông này tuyên bố dân tài tử mua cổ phiếu GameStop sẽ thua trắng nếu cứ cố tình phá ông. Dân tình giận dữ, có kẻ tìm cách đột nhập tài khoản Twitter của Citron, nhiều người vào tài khoản của Left tấn công ông này một cách dữ dội.

Bán khống có nghĩa nơi bán khống sẽ vay cổ phiếu họ nghĩ sẽ sụt giá từ các nhà môi giới rồi bán chúng với giá hiện tại. Vay thì phải trả, nơi bán khống cứ tính đến thời điểm trả, giá cổ phiếu hạ còn một nửa là họ lời to. Nhưng nếu giá cứ lên, nơi bán khống sẽ phải cay đắng mua lại bằng bất cứ giá nào để trả nợ và ôm một khoản lỗ lớn.

Các tay chơi nghiệp dư hiểu được cơ chế này bèn rủ nhau cứ mua vào cổ phiếu GameStop, giữ cho giá cứ tăng dần đều đặn và bên bán khống lo sợ tìm cách mua vào để cắt lỗ, giá sẽ vọt lên thăng thiên. Giá cổ phiếu GameStop giao động dữ dội vào tuần trước là do hai lực kéo đẩy này tác động.

Blue Sphere và các cổ phiếu “tiền xu”

Với cổ phiếu của công ty Blue Sphere, dân chơi chứng khoán nghiệp dư đưa vào tầm ngắm không phải vì có ai bán khống nó. Đơn giản chỉ vì nó quá rẻ, rẻ đến mức gần bằng 0 đô la/cổ phiếu. Sự việc đã mấy năm nay nó hoàn toàn không có bản báo cáo tài chính nào cả không làm họ nản lòng. Chỉ nghe phong thanh công ty này chuyên về năng lượng sạch mà với chính quyền mới nghiêng về bảo vệ môi trường là đã đủ để dân nghiệp dư rót tiền bơm Blue Sphere lên.

Trên diễn đàn Stocktwits và Reddit chuyên về cổ phiếu giá rẻ, các lời kêu gọi bắt đầu được tung ra. Ngày 14-1, một thành viên của Stocktwits nhận định Blue Sphere sẽ “lên” cùng với chính sách mới của chính quyền Biden; thành viên Moneyman223 kêu gọi mọi người nhảy vào trước khi giá bùng nổ, kẻo muộn sẽ hối tiếc. Ngày 19-1, giá cổ phiếu Blue Sphere đến cuối ngày tăng 451%, đến 2 tỉ cổ phiếu Blue Sphere được trao tay nội trong ngày hôm đó. 

Theo bình luận của nhiều nhà phân tích chứng khoán, dân chơi nghiệp dư hiện đã hình thành các nhóm như nhóm WallStreetBets trên mạng Reddit có đến 2,2 triệu thành viên, và đang tìm cách đạo diễn các vụ đánh lên như GameStop.

Theo Bloomberg, hiện nay ngày nào cũng có hàng chục trường hợp như Blue Sphere: các công ty nhỏ xíu, không hề có lãi bỗng nhiên nổi lên, giá tăng vọt khi dân tài tử tranh nhau mua cổ phiếu của chúng.

Giá lên bất chợt như thế thì phải xuống; số phận các công ty lóe lên như một ngôi sao rồi vụt tắt kéo theo là hàng triệu tài khoản của giới đầu tư nhỏ lẻ chăm chăm theo dõi là hình ảnh của thị trường chứng khoán hiện nay, một thị trường nơi giao dịch không bị tính phí hoa hồng, lãi suất gần bằng không làm tất cả các nhận định bình thường trở nên méo mó, không ai thèm nghe. 

Bởi các nhóm như thế toàn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên rất khó buộc tội họ là thao túng giá chứng khoán. Họ cũng chẳng dấu diếm chiến lược của họ; mọi lời kêu gọi đều công khai trên diễn đàn Reddit.

Cứ như thể có người lập luận: các quỹ đầu cơ có thể thuyết trình gọi vốn để đánh xuống một cổ phiếu một cách công khai, tại sao các cá nhân đầu tư không thể bàn tán trên một diễn đàn mở vì sao cổ phiếu đó không tệ hại như giới bán khống rêu rao.

Thùng thuốc súng chờ nổ

Có người nói hiện tượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang gây ra những đợt sóng lớn trên thị trường là một sự “dân chủ hóa thị trường tài chính”. Nhưng cũng có người bảo họ đang giúp hình thành một bong bóng chứng khoán khổng lồ nhất từ trước đến nay, đang chực chờ giây phút nổ tung. Ai đúng ai sai thì chưa biết nhưng các đảo lộn nó gây ra là rất rõ.

Các nhà đầu tư cá nhân có thể trở thành triệu phú cũng có thể trắng tay trong nháy mắt. Cổ phiếu Blue Sphere tăng 451% trong một ngày nhưng ba ngày sau đó giá bị hớt mất một nửa: thử tưởng tượng có kẻ thắng to nhưng cũng có người dốc túi mua lúc giá cao sẽ mất ít nhất một nửa tiền trong tài khoản.

Cổ phiếu GameStop có lúc từ 60 đô la lên 140 đô la rồi rớt xuống 70 đô la chỉ trong mấy tiếng đồng hồ; người hên sẽ trúng người xui sạch túi trong ván bài này. Đến ngày thứ Năm tuần này khi sàn Robinhood hạn chế chỉ cho bán chứ không cho mua thêm cổ phiếu GameStop, giá rớt đến 40%.

Rõ ràng mua bán chứng khoán giờ tách biệt hẳn hoạt động kinh tế, chỉ còn lại những người “tháu cáy” với nhau và một khi thị trường đánh mất ý nghĩa đối với nền kinh tế, sớm muộn gì những nơi làm chính sách sẽ phải ngồi xuống soạn lại luật chơi.

Số phận của từng nhà đầu tư cá nhân là đáng lo nhưng gom chung thành một lực lượng thì lực lượng này đang gây sóng gió trên thị trường. Các quỹ đầu tư lớn từng tự hào về đội ngũ phân tích nhạy bén, sâu sắc nay bó tay tìm cách theo xu hướng chung. Những nơi nào đang bán khống cổ phiếu đều phải đánh giá lại chiến lược. Các công ty có cổ phiếu rơi vào tầm ngắm như ngồi trên đống lửa bởi giá tăng không do tình hình thực tế sẽ gây ra một bức tranh méo mó về công ty.

Một thành viên dạng đầu tư nghiệp dư viết trên diễn đàn Reddit: “Tớ là một người thuộc thế hệ Millenials. Tớ mệt mỏi vì bị giới tinh hoa thế giới chơi xỏ từ lâu. Đây không phải là chuyện tả hữu, Dân chủ hay Cộng hòa. Đây là chuyện 1% chống lại mọi người khác”. Một khi các nhà đầu tư cá nhân xem chuyện đầu tư như một cách bày tỏ thái độ kiểu một dạng phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”, câu chuyện chứng khoán sẽ còn nhiều hấp dẫn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới