Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghiên cứu biện pháp tự vệ khi nhập khẩu ô tô tăng đột biến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghiên cứu biện pháp tự vệ khi nhập khẩu ô tô tăng đột biến

Lê Hoàng

Nghiên cứu biện pháp tự vệ khi nhập khẩu ô tô tăng đột biến
Xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng -Ảnh minh họa: Lê Hoàng

(TBKTSG Online) - Bộ Công Thương sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với các bộ, ngành liên quan trong việc đưa ra giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô khi Việt Nam giảm thuế do cam kết hội nhập.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ ngày 14-3 đã truyền đạt yêu cầu của Phó Thủ tướng đến các bộ Công Thương, Tài Chính, Khoa học và Công nghệ...  để đánh giá toàn diện thị trường ô tô, có chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ô tô và liên doanh ô tô trong nước thời gian tới.

Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chưa đạt mục tiêu đã đề ra, giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

Dự báo Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ô tô hóa trong thời gian tới. Đây là cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với hệ thống hạ tầng giao thông và môi trường của Việt Nam.

Do vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô, tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tàu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, tập trung đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc).

Ngoài ra, cần dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực, đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên quan làm việc cụ thể với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để xác định rõ kế hoạch phát triển sản xuất của từng doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2020, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đáng chú ý trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng là việc nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước, cũng như khẩn trương soạn thảo Nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng với Bộ Tài chính còn liên quan đến việc nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này. Bộ này cũng sẽ rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế.

Việc đơn giản hóa các thủ tục kiểm định xe ô tô đưa vào lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng được Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong hai tháng đầu năm, cả nước nhập hơn 15.270 ô tô nguyên chiếc, tăng hơn 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hơn 60% là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống. Đáng chú ý, các dòng xe nhập khẩu về Việt Nam có mức giá khá thấp có xuất xứ từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ.

Mời đọc thêm:

>>> Ô tô nhập từ Indonesia, Thái Lan sẽ còn tăng mạnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới