Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghiên cứu, chỉnh sửa nhiều nội dung mâu thuẫn liên quan đến luật đất đai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phiên họp 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11-5, các thành viên đã xem xét, cho ý kiến dự án Luật Đất đai sửa đổi, trong đó cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất; nghiên cứu, chỉnh sửa nhiều nội dung còn mâu thuẫn giữa các luật; bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi...

Theo Quochoi.vn, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự án đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và tổng hợp ý kiến nhân dân.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 75), Ủy ban Kinh tế nêu hai nhóm ý kiến, nhóm một tán thành quy định tại dự thảo luật như Chính phủ đã trình, đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm quy định đầy đủ, rõ ràng.

Ý kiến nhóm hai cân nhắc cách quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất như dự thảo luật, do chưa bảo đảm quy định điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; khó bảo đảm đầy đủ các trường hợp, nhất là các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai. Ủy ban Kinh tế tán thành ý kiến này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Đối với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất,  Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi.

Trong xác định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi cần tính toán để điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và nhà đầu tư.

TTXVN đưa tin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, quyền hạn chế thửa đất liền kề theo Luật Dân sự 2015 có cách tiếp cận mới hơn nhưng dự thảo Luật Đất đai chưa cập nhật theo hướng này.

Bên cạnh đó, quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên theo quy định của luật theo thỏa thuận, theo di chúc. Nội dung này cũng đã được quy định tại Điều 246 của Bộ luật Dân sự, cần cập nhật, bổ sung để thống nhất quy định của các luật.

Về dự thảo Luật Đất đai và dự thảo Luật Nhà ở, vẫn còn một số điểm khác nhau về thu hồi đất, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, về thu tiền sử dụng đất cho nhà ở công vụ… Do đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ rà soát thêm và bổ sung sửa ngay trong đợt này, để quy trình làm luật và việc áp dụng pháp luật sẽ thuận lợi hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, dự thảo luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, cần minh bạch quá trình, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện.

Cần làm rõ khái niệm thế nào là "phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh", thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định thật rõ ràng, cụ thể, dự liệu các trường hợp xảy ra trong thực tế để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới