(KTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công. Phương thức nhượng quyền nếu thực hiện được sẽ giúp nhà nước thu hồi được vốn ngay để tiếp tục đầu tư các dự án giao thông khác.
- Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dự kiến khởi công năm 2023
- Khởi công 12 gói thầu đầu tiên của cao tốc Bắc-Nam trong năm 2022
Dù nguồn lực Chính phủ phân bổ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ trong giai đoạn 2021 - 2025 lên đến hơn 300.000 tỉ đồng nhưng để hoàn thành được quy hoạch đã được phê duyệt vẫn cần nguồn lực xã hội rất lớn.
Thực tế từ một số dự án BOT đã triển khai cho thấy, khi làm dự án phương án tài chính rất ổn, nhà đầu tư rất yên tâm. Tuy nhiên, sau đó lại có thêm các dự án khác được đầu tư bằng vốn ngân sách phân lưu dòng phương tiện, gây hụt doanh thu của dự án BOT.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải muốn tìm phương án tháo gỡ các vướng mắc này thông qua việc xây dựng chính sách để có thể thu hút tối đa nguồn lực xã hội thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, có việc nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công.
Từ đầu năm đến tháng 11 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được 34.900 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 63,4% kế hoạch. Để đạt được mục tiêu giải ngân đề ra, những dự án lớn như 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành theo kế hoạch.
Riêng với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải rốt ráo hơn về chuẩn bị để khởi công trong cuối năm nay.