Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

 Nghiên cứu sửa quy định để kéo dài niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ yêu cầu rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi triển khai kéo dài niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe.

Đề xuất phân quyền cho địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt. Ảnh: Minh Hoàng
Niên hạn đầu máy, toa xe theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định là 40-45 năm. Để đầu tư thay thế, VNR tính toán sơ bộ cần khoảng 8.000 tỉ đồng. Ảnh minh hoạ: Minh Hoàng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3244/VPCP-CN ngày 9-5-2023 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt; đề xuất sửa Nghị định 65/2018/NĐ-CP và Nghị định 01/2022/NĐ-CP.

Về đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ý kiến của các Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ về việc quy định niên hạn đầu máy toa xe; đề xuất sửa Nghị định số 65/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2022/NĐ-CP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP, Nghị định số 01/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng lộ trình để chuyển đổi năng lượng xanh, chuyển đổi sang dùng đầu máy chạy điện trong lĩnh vực đường sắt theo Quyết định số 876/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở, quy trình sửa chữa định kỳ phương tiện giao thông đường sắt và chịu trách nhiệm toàn diện về đảm bảo an toàn phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác, vận hành.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết tính đến đầu năm 2022, toàn ngành đường sắt đang khai thác tổng cộng 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng.

Niên hạn đầu máy, toa xe theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định là 40-45 năm. Tính đến 1-1-2025, số lượng đầu máy còn niên hạn là 202 chiếc thì ngay trong đầu năm 2025 toàn ngành đường sắt thiếu 38 đầu máy, các năm tiếp theo sẽ thiếu nhiều hơn.

Để đầu tư thay thế, VNR tính toán sơ bộ cần khoảng 8.000 tỉ đồng và đây mới chỉ là phần kinh phí cho việc thay thế đầu máy, toa xe sử dụng dầu diesel.

Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và cam kết đến năm 2050 chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe phát điện đường sắt sang loại sử dụng nhiên liệu sạch (không phát thải khí nhà kính).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới