Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính được trao giải Nobel Kinh tế

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm nay 10-10, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển (KVA) thông báo trao giải Nobel Kinh tế cho 3 nhà kinh tế Mỹ, bao gồm cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke, để tôn vinh nghiên cứu của họ về ngành ngân hàng và các cuộc khủng hoảng tài chính.

Ba chủ nhân của giải Noel Kinh tế 2022, (theo thứ tự từ trái sang), Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig. Ảnh: Open.online

Ông Bernanke là Chủ tịch Fed trong giai đoạn 2006-2014, hiện đang làm việc tại Viện Brookings ở Washington, D.C. Hai người đạt giải còn lại gồm Douglas Diamond, giáo sư tại Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago và và Philip Dybvig, giáo sư tại Trường Kinh doanh Olin của Đại học Washington ở St. Louis.

KVA ghi nhận công trình nghiên cứu họ vào đầu thập niên 1980 đã giúp cải thiện đáng kể sự hiểu biết của mọi người về vai trò của các ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng tài chính, và chỉ ra lý do tại sao tránh để cho các ngân hàng sụp đổ là điều quan trọng.

“Các hành động của các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính trên toàn thế giới trong khi đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn gần đây, Đại suy thoái 2007-2009 và cơn suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, phần lớn được thúc đẩy bởi nghiên cứu của những người đoạt giải”, KVA cho biết trong thông báo trao giải.

Các chính phủ trên khắp thế giới đã cứu trợ các ngân hàng trong năm 2008 và 2009, gây ra hàng loạt chỉ trích khi người tiêu dùng bình thường phải chịu mất nhà cửa giữa lúc các ngân hàng, thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng được giải cứu.

Bằng trao giải Nobel Kinh tế cho ông Bernanke, KVA đã thực hiện một bước đi bất thường khi vinh danh một nhà thực hành chính sách kinh tế thực tế. Nhiều người chiến thắng giải Nobel Kinh tế trước đó đều xuất thân từ giới học thuật.

Theo KVA, phân tích của Bernanke về cuộc Đại khủng hoảng trong thập niên 1930 đã chỉ ra cách thức và lý do tại sao các vụ rút tiền hàng loạt từ ngân hàng (do lo ngại ngân hàng dừng hoạt động hay phá sản) là nguyên nhân chính khiến cuộc khủng hoảng kéo dài và nghiêm trọng như vậy.

Trong khi đó, công trình nghiên cứu của Diamond và Dybvig xem xét vai trò quan trọng về mặt xã hội của các ngân hàng trong việc làm dịu xung đột tiềm ẩn giữa người tiết kiệm muốn tiếp cận tiền của họ và nền kinh tế cần các khoản tiền gửi tiết kiệm để đầu tư. Nghiên cứu của hai vị giáo sư này cũng chỉ ra cách các chính phủ có thể giúp ngăn chặn các vụ đổ xô rút tiền hàng loạt từ ngân hàng bằng cách cung cấp chính sách bảo hiểm tiền gửi và đóng vai trò là bên cho vay cuối cùng.

Trong một cuộc họp báo sau khi biết tin đạt giải Nobel Kinh tế, giáo sư Douglas Diamond được hỏi liệu ông có bất kỳ cảnh báo nào đối với các ngân hàng và chính phủ trước tình hình lãi suất tăng hiện tại…, Diamond cho biết các cuộc khủng hoảng tài chính trở nên tồi tệ hơn khi mọi người bắt đầu mất niềm tin vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Ông nói: “Điều đó cơ bản liên quan đến việc mọi người nghĩ lĩnh vực ngân hàng có lợi nhuận ra sao, ngoài việc ổn định. Vì vậy, trong những giai đoạn mà mọi thứ xảy ra bất ngờ, giống như việc mọi người ngạc nhiên về việc lãi suất danh nghĩa tăng nhanh như thế nào trên khắp thế giới, có thể xuất hiện một số lo ngại trong hệ thống”.

Ông khuyên các ngân hàng cần phải duy trì sự lành mạnh và các chính phủ cần phản ứng một cách cẩn trọng và minh bạch đối với những thay đổi trong chính sách tiền tệ. Khi được hỏi về việc liệu có một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác sắp xảy ra không, ông cho biết thế giới đã “chuẩn bị tốt hơn nhiều” so với năm 2008 và những cải tiến về quản lý đã giúp hệ thống ngân hàng ít bị tổn thương hơn.

Ông nói: “Bản thân lĩnh vực ngân hàng đang ở vị thế rất vững chắc, giá trị ròng tốt, quản lý rủi ro tốt. Vấn đề là những tổn thương từ nỗi lo rút tiền hàng loạt, rối loạn thị trường và khủng hoảng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, không chỉ ở các ngân hàng thương mại”.

Ba chủ nhân của giải Nobel kinh tế, có tên gọi chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng trung ương Thụy Điển dành cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, sẽ nhận được 10 triệu krona Thụy Điển (883.000 đô la) mỗi người. KVA chọn những người chiến thắng từ danh sách ứng cử viên do Ủy ban Giải thưởng khoa học kinh tế giới thiệu. Ủy ban này sẽ gửi mẫu đơn cho khoảng 3.000 giáo sư uy tín, các chủ nhân Nobel Kinh tế trước đó và các thành viên của KVA để đề nghị họ đề cử ứng cử viên.

Không giống như năm giải Nobel khác, được trao từ năm 1901 theo di nguyện của nhà phát minh, nhà hóa học và kỹ sư người Thụy Điển, Alfred Nobel, giải thưởng Noel Kinh tế được Ngân hàng trung ương Thụy Điển thành lập vào năm 1968 để tưởng nhớ ông.

Theo CNBC, Bloomberg

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhìn vào ngân hàng là có thể đánh giá được tổng quan sức khỏe nền kinh tế. Nhưng cần có cái nhìn từ hai phía. Thứ nhất, rủi ro của ngân hàng chính là hệ quả phát sinh từ rủi ro của các hoạt động kinh tế. Thứ hai, ngay chính bản thân ngân hàng cũng là nguồn gốc gây ra rủi ro, mang đến nhiều hệ lụy với nhiều tầm cỡ khác nhau. Chính vì vậy, kỹ năng quản trị điều hành hệ thống ngân hàng, cả vĩ mô và vi mô, luôn là yếu tố quyết định nhằm đảm bảo sự an toàn và tăng trưởng ổn định cho mọi nền kinh tế nói chung. Rất tiếc, kỹ năng này của các NHTW đang bị chệch hướng vì nhiều lý do. Thay vì tập trung ngăn ngừa khủng hoảng từ xa thì lại đang dồn hết nguồn lực cho xử lý khủng hoảng. Nguy cơ hiện hữu là không chỉ một vài nền kinh tế bị tàn phá mà kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn hại lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới