Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người bệnh phải chi tiền mua thuốc bảo hiểm y tế

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù là những loại thuốc nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả nhưng nhiều bệnh nhân hiện đang lao đao khi phải chạy ngược xuôi để tìm mua các loại thuốc này ở bên ngoài. 

Theo lời kể của bác sĩ tại một bệnh viện tư, trường hợp đi khám theo bảo hiểm y tế, người bệnh được thông báo “đã hết thuốc”, nhưng nếu chấp nhận chi trả, bệnh nhân vẫn có thuốc để mua ngay lập tức với hình thức ký giấy cam kết tự nguyện mua theo dạng dịch vụ trong nhà thuốc của bệnh viện hoặc nhà thuốc bên ngoài.

Người bệnh chật vật tìm mua thuốc

Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị vật tư y tế hiện đang lan tràn tại nhiều bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, thành phố trên cả nước. Hậu quả của “cơn khát” thuốc, đặc biệt là thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, lại đổ hết lên người bệnh đang phải ngày đêm chống chọi với bệnh tật.

Đến khám tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chị B. H. (27 tuổi, sống tại TPHCM) cho biết, các bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn lo âu vào cuối năm 2021. Trong tháng 5-2022, khi trở lại tái khám sử dụng bảo hiểm y tế, bác sĩ cho biết sẽ đổi qua một loại thuốc khác thay vì sử dụng loại thuốc cũ như trước đây.

Trước đó vào tháng 4-2022, chị H. cũng gặp trục trặc về giấy tờ chuyển tuyến bệnh viện nên đã vất vả tìm mua các loại thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế. Theo đó, với đơn thuốc gồm Sertraline, Quetiapin và Levosulprid, bệnh nhân này phải đi khắp các nhà thuốc lẻ và hệ thống nhà thuốc từ quận 5 đến quận 1, 3... nhưng không tìm được địa điểm nào bán đủ các loại thuốc đang cần, hoặc nếu có thì giá thuốc rất đắt.

Vì lo lắng cho tình trạng sức khỏe nên chị H. đành mua lẻ từng loại thuốc tại 2-3 nhà thuốc để không bị lỡ thuốc. “Những loại thuốc này nếu mua chậm trễ, ngưng thuốc một ngày (nghĩa là ngưng thuốc đột ngột) có thể khiến bệnh tái phát với các triệu chứng như lo lắng, mệt mỏi, nôn ói, tim đập nhanh…”, chị H. cho biết.

Người bệnh phải chạy ngược xuôi để tìm mua các loại thuốc nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả tại các nhà thuốc bên ngoài. Ảnh minh họa: Minh Thảo

Vừa qua, câu chuyện của bé N. tại huyện Sơn Hà (Phú Yên) bị rắn cạp nia cắn trong khi ngủ cũng đã khiến nhiều người không khỏi đau xót. Dù bệnh nhi này được chở đến trung tâm y tế huyện cấp cứu ngay trong đêm, sau đó tiếp tục được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh nhưng không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia trong khi tình trạng bé N. đã nguy kịch. Bệnh viện tuyến tỉnh liên hệ với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) nhưng hai nơi này cũng không còn loại huyết thanh để điều trị. Bệnh nhi này tử vong trong sự bất lực của các y, bác sĩ.

Câu chuyện của bé N. cũng đã phản ánh đúng thực tế tại một số bệnh viện từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương. Dù đội ngũ y, bác sĩ muốn điều trị bệnh nhân nhưng với tình trạng không có thuốc, thiết bị y tế hỗ trợ bị hạn chế thì họ cũng chỉ biết tư vấn, còn người bệnh phải xoay tìm chỗ mua để không bị lỡ thuốc điều trị.

Khám bảo hiểm y tế, người bệnh phải chi tiền mua thuốc

Nói về thực trạng này, bác sĩ T. hiện đang là bác sĩ Khoa Khám bệnh tại một bệnh viện tư ở một tỉnh miền Tây, cho biết: “Tình trạng thiếu thuốc là một khái niệm chưa chính xác vì cùng loại thuốc hay vật tư tiêu hao, bệnh nhân vẫn có thể mua được theo dạng dịch vụ, không hưởng bảo hiểm y tế”.

Cụ thể tại một số bệnh viện, đặc biệt ở bệnh viện tư, “bệnh nhân vẫn có thể mua được thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế nhưng giờ đã hết định mức, nếu cho thuốc nằm trong diện này thì không có trong danh mục bảo hiểm y tế của bệnh viện. Cùng loại thuốc đó, khi bệnh viện chuyển sang thành thuốc thanh toán dịch vụ, bệnh nhân chi trả 100%, muốn mua bao nhiêu cũng có thuốc nên chỉ có bệnh nhân là người chịu thiệt thòi nhất”, vị bác sĩ này cho biết.

Lấy ví dụ như đối với bệnh nhân mắc cao huyết áp, trước đây họ thường dùng thuốc Exforge loại 5mg/80mg với giá dịch vụ khoảng 10.000 đồng/ viên, nhưng khi có bảo hiểm y tế, họ chỉ trả 2.000 đồng theo tỷ lệ bảo hiểm y tế 80%. Tuy nhiên, trong thời điểm bệnh viện hết định mức bảo hiểm y tế, bệnh nhân đi khám theo diện bảo hiểm y tế, sẽ được thông báo là hết một số loại thuốc.

“Trường hợp người bệnh chấp nhận chi tiền với mức giá gần 10.000 đồng/viên thì vẫn có thuốc để mua tại bệnh viện. Hầu hết các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính đều phải chịu cảnh này”, bác sĩ T. nói.

Như vậy, theo bác sĩ T., khi bệnh viện hết định mức loại thuốc được duyệt bảo hiểm y tế, nếu có bệnh nhân hưởng bảo hiểm thì loại thuốc này sẽ không có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế (những khoản chi không được duyệt), bệnh viện đành cho bệnh nhân ký giấy cam kết tự nguyện mua thuốc theo dạng dịch vụ ngay trong nhà thuốc của bệnh viện. Người bệnh ký giấy cam kết và bệnh viện sẽ lưu lại để đối phó với bảo hiểm y tế.

Giấy cam kết tự nguyện mua thuốc theo dạng dịch vụ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Không chỉ thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus hay các vật tư tiêu hao, tất cả những thuốc thuộc loại thiết yếu trước đây được hưởng bảo hiểm y tế, bệnh nhân chỉ chi trả theo diện bảo hiểm y tế, thì hiện nhiều thứ phải trả 100%.

Lý giải về tình trạng trên, vị bác sĩ này cho biết, nguyên nhân chính là do định mức bảo hiểm y tế từng loại thuốc hoặc vật tư, thiết bị y tế tại từng địa phương. Thông thường tại các tỉnh, bảo hiểm y tế sẽ quy định mỗi loại gồm thuốc, dụng cụ y tế… sẽ được cấp định mức mỗi năm cho toàn địa phương, sau đó địa phương phân bổ ra, bác sĩ T. cho biết. Ví dụ như có 100 loại thuốc được lưu hành thì khoảng 50 loại thuốc có trong danh mục được hưởng bảo hiểm y tế cho bệnh viện tuyến 1, 40 loại cho tuyến 2, 30 loại cho tuyến 3, 20 loại dành cho tuyến y tế cơ sở...

Ở các tỉnh, danh mục kỹ thuật ít hơn TPHCM và Hà Nội nên số đầu thuốc và vật tư tiêu hao sẽ giới hạn hơn. Từ đó, Sở Y tế các tỉnh phân bổ ra các đơn vị y tế toàn tỉnh thì số lượng sẽ rất eo hẹp, thường chỉ đáp ứng rất thấp nhu cầu sử dụng thực tế. Theo bác sĩ T., hơn nửa năm nay, tại một bệnh viện tư ở tỉnh nêu trên đã dùng hết con số định mức mà tỉnh phân bổ nên nửa năm còn lại, bệnh nhân phải chi tiền để mua thuốc theo giá dịch vụ.

Giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM, trước thực trạng thiếu thuốc và thiết bị y tế cần thiết tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, ngày 20-6, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số loại thuốc hiếm dành cho công tác cấp cứu người bệnh; sớm thực hiện đề án xây dựng Khu công nghệ Y - Dược kỹ thuật cao.

Ngoài ra, ngành y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký; chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung... đồng thời cũng cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị như huyết thanh kháng nọc rắn…

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiếp theo cuộc đại khủng hoảng Covid-19, có lẽ chưa bao giờ sức khỏe, kể cả tính mạng của người dân, lại bị thử thách nhiều như lúc này. Nếu chỉ ra nguyên nhân, chắc chắn là rất nhiều, nhưng trước hết phải xuất phát từ chiến lược bảo vệ sức khỏe toàn dân và mô hình hoạt động của ngành y tế. Những tồn tại lưu cữu trong mô hình bảo vệ sức khỏe đã âm ỉ từ lâu, nhưng tiến trình cải cách vẫn chưa đi đến đâu, mọi thứ gần như chỉ động đến vành ngoài chứ chưa động chạm đến vành trong. Nhu cầu về bảo vệ sức khỏe xã hội là vô cùng lớn và đa dạng. Có nhiều cách thức khác nhau để đáp ứng điều đó. Nhưng nhu cầu tối thiểu nhất của người dân (thực ra đó là quyền được bảo vệ sức khỏe) phải được Nhà nước bảo đảm trong bất luận hoàn cảnh nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới