Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người dân Bồ Đào Nha biểu tình vì khủng hoảng nhà ở

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm 1-4, hàng ngàn người dân Bồ Đào Nha đã xuống đường ở thủ đô Lisbon và các thành phố khác trên khắp đất nước để phản đối giá thuê nhà và giá nhà ở tăng vọt ở thời điểm họ đang khốn đốn vì lạm phát cao.

Người dân xuống đường biểu tình ở Lisbon, Bồ Đào Nha hôm 1-4 để yêu cầu chính phủ giải quyết khủng hoảng nhà ở. Ảnh: Reuters

Tại cuộc biểu tình do nhóm “Nhà để ở” (Home to live) và các nhóm khác tổ chức ở Lisbon, họa sĩ Diogo Guerra cho biết anh nghe những câu chuyện về những người dân phải vật lộn để tiếp cận nhà ở mỗi ngày. Anh nói nhiều người có việc làm nhưng trở thành người vô gia cư do bị chủ nhà đuổi khỏi căn nhà họ đang thuê để phục vụ nhu cầu lưu trú ngắn hạn cho du khách.

“Hiện nay, Bồ Đào Nha đang trải qua cuộc khủng hoảng nhà ở rất tồi tệ. Đây là vấn đề khẩn cấp xã hội”,  Rita Silva, nhà hoạt động của tổ chức vận động quyền nhà ở Habita, cho biết.

Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia nghèo nhất Tây Âu. Dữ liệu của chính phủ cho thấy hơn 50% người lao động Bồ Đào Nha kiếm được ít hơn 1.000 euro (1.084 đô la) mỗi tháng vào năm ngoái. Mức lương tối thiểu hàng tháng ở đất nước này là 760 euro/tháng.

Giá thuê nhà  ở Lisbon, một điểm nóng về du lịch, tăng 65% kể từ năm 2015 và giá nhà cũng đã tăng vọt 137% trong khoảng thời gian đó, theo số liệu từ Confidencial Imobiliario, một cơ quan thu thập dữ liệu về nhà ở. Công ty dữ liệu bất động sản Casafari ghi nhận giá thuê nhà ở thủ đô của Bồ Đào Nha tăng 37% chỉ trong năm ngoái, cao hơn cả ở Barcelona (Tây Ban Nha) hay Paris (Pháp).

Dữ liệu thấy giá thuê nhà ở và căn hộ ở Lisbon trong tháng 3 tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức trung bình 6,91 euro/ mét vuông/tháng. Trong khi đó, giá nhà tăng 11,3% bất chấp kinh tế trì trệ và lãi suất vay thế chấp tăng cao.

Chi phí nhà ở đắt đỏ đặc biệt gây khó khăn đối cho tầng lớp thanh niên mới đi làm. Giá thuê trung bình cho một căn hộ một phòng ngủ ở Lisbon là khoảng 1.350 euro/tháng, theo một nghiên cứu của trang thông tin nhà ở Imovirtual.

Tháng trước, chính phủ Bồ Đào Nha đã công bố gói biện pháp để giải quyết khủng hoảng nhà ở bao gồm chấm dứt chương trình “Thị thực vàng” gây tranh cãi”, dừng cấp phép cho thuê mới đối nhà ở trên nền tảng Airbnb và các hình thức lưu trú nghỉ dưỡng ngắn ngày khác. Chương trình “Thị thực vàng” cung cấp hộ chiếu Liên minh châu Âu (EU) cho công dân không thuộc các nước EU để đổi lấy các khoản đầu tư của họ vào Bồ Đào Nha gồm cả bất động sản. Chương trình này bị chỉ trích vì làm tăng giá nhà cũng như giá thuê nhà.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ghi nhận hiện nay, cuộc khủng hoảng nhà ở ảnh hưởng đến tất cả hộ gia đình, chứ không chỉ nhóm dễ tổn thương nhất. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở, ông cho biết chính phủ sẽ cho thuê những căn nhà còn trống của các chủ bất động sản.

Ông nói sẽ giới thiệu một cơ chế để quản lý mức tăng giá cho thuê nhà và cung cấp các ưu đãi thuế cho các chủ nhà chuyển bất động sản du lịch của họ thành nhà ở cho người dân địa phương thuê.

Đảng đối lập Dân chủ xã hội gọi các biện pháp này là một “đòn tấn công” vào quyền lợi của các chủ bất động sản và doanh nghiệp.

Các nhóm vận động quyền nhà ở cho rằng các biện pháp như vậy sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chính phủ tiếp tục thúc đẩy các chính sách khác để thu hút người nước ngoài giàu có đến Bồ Đào Nha. Chẳng hạn, chương trình “Thị thực du mục kỹ thuật số”  được giới thiệu năm ngoái, cho phép người nước ngoài có thu nhập cao từ công việc từ xa đến sống và làm việc tại Bồ Đào Nha mà không phải trả thuế địa phương.

Andreia Galvao, một nhà hoạt động nhà ở, chỉ trích chính phủ không thực hiện đúng lời hứa trước đây để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở.

“Mục tiêu của chính phủ là đến năm 2024, tất cả người dân Bồ Đào Nha sẽ được tiếp cận với nhà ở chất lượng nhưng điều đó có vẻ như điều đó sẽ không xảy ra”, cô nói.

Tổ chức “Nhà ở là quyền” cho biết các biện pháp trên không thay đổi hiện trạng của thị trường nhà ở, với các quỹ đầu tư bất động sản lớn kiểm soát một phần đáng kể thị trường.

“Đối với đại đa số người dân, tiền thuê nhà sẽ vẫn ở mức không thể chi trả nổi và việc mua một ngôi nhà sẽ tiếp tục là một giấc mơ”,  tổ chức này cho biết.

Theo một nghiên cứu của Công  ty môi giới bảo hiểm CIA Landlords, mức lương thấp và giá thuê cao khiến Lisbon trở thành thành phố không đáng sống thứ ba trên thế giới.

Mức lương thấp, thị trường bất động sản nóng ran, cùng với các chính sách khuyến khích người giàu nước ngoài đầu tư và một nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch khiến người dân Bồ Đào Nha khó có thể thuê hoặc mua nhà ở với mức giá hợp lý. Mức lạm phát cao ở Bồ Đào Nha (8,3% trong tháng 2) càng khiến vấn đề trầm trọng.

“Dù có mức lương cao hơn mức lương trung bình ở Lisbon, tôi vẫn không đủ khả năng thuê một căn hộ vì giá thuê quá đắt đỏ”, Nuncio Renzi, một giám đốc kinh doanh đến từ Ý và đang sống ở Lisbon, nói

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới