Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người dân phải được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm thiên tai từ nhỏ

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vụ cả thôn Kho Vàng với 115 người dân ở tỉnh Lào Cai chuyển lên chỗ cao ngay trước khi vụ sạt lở chôn vùi nhà cửa của họ diễn ra phần lớn nhờ vào sự phán đoán chính xác và quyết định kịp thời của vị trưởng thôn Ma Seo Chứ. Vụ thoát hiểm trong gang tấc này cho thấy kiến thức và kỹ năng thoát hiểm sẽ giúp người dân chủ động tránh được thảm hoạ do thiên tai gây ra.

Nhìn lại quá trình người dân an toàn thoát khỏi vụ sạt lở đất của thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thì thấy rõ, họ sống sót nhờ sự tin tưởng vào kiến thức và kỹ năng thực tế của người trưởng thôn 33 tuổi Ma Seo Chứ, cộng với sự đồng lòng của cả thôn khi di dời lên vị trí cao. Họ đã chủ động di dời trong bối cảnh bão làm mất điện, mất sóng điện thoại không thể liên hệ để nhờ chính quyền địa phương trợ giúp.

Sau hai ngày mưa liên tục do ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ miền Bắc, sáng ngày 9-9 vị trưởng thôn này cùng một số người dân lên khu vực đồi nằm ngay phía trên thôn để kiểm tra và phát hiện vết nứt dài mấy chục mét và đất đã sụt xuống 20 cen ti mét. Quyết định sơ tán được đưa ra nhanh chóng và đến chiều cùng ngày, toàn bộ 115 người dân đã chuyển lên khu lánh nạn che tạm bằng bạt trên một ngọn đồi cách thôn khoảng 1 ki lô mét, mang theo gạo, nồi, chăn màn và nước sinh hoạt.

Ngay trong đêm ngày 9-9, toàn bộ thôn Kho Vàng đã bị chôn vùi sau vụ lở đất. Nếu không di chuyển kịp thời ngay hôm đó, người dân thôn này hẳn đã chịu cùng số phận bi thảm với một số thôn làng khác trong đợt mưa lớn sau bão Yagi cùng thời điểm đó.

Sự quyết đoán khi đưa ra quyết định di dời của trưởng thôn Ma Seo Chứ dựa vào kiến thức phòng tránh sạt lở và kỹ năng ứng phó thực tế. Điều rút ra được từ vụ việc này là người dân cần được đào tạo, hướng dẫn những kỹ năng này một cách dễ hiểu để áp dụng vào thực tế. Cần tránh những chiến dịch thông tin rầm rộ chỉ có bề nổi, nặng tính hình thức nhưng thiếu tính thực hành khiến người dân sau khi tham gia thì nhớ được rất ít. Những tài liệu tuyên truyền với nội dung chung chung cũng là điều cần tránh vì người dân sẽ khó áp dụng sau khi đọc.

Tùy theo vùng mà cần chú trọng hướng dẫn cho người dân các chương trình chuyên sâu, chẳng hạn ở vùng đồi núi là kỹ năng phát hiện sạt lở, cách ứng phó, cách chọn vị trí xây dựng nhà cửa. Cũng là kỹ năng chống sạt lở nhưng với vùng đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, người dân cần được hướng dẫn kỹ năng quan sát dấu hiệu sạt lở bờ sông, quan sát dòng chảy sông có dấu hiệu xói lở bờ.

Ở một số nước, việc đào tạo kỹ năng thoát hiểm thiên tai được đưa vào chương trình học từ mẫu giáo như ở Nhật Bản là cách sống sót, cần làm gì khi động đất xảy ra. Hay tại một số bang thường xuyên xuất hiện vòi rồng tàn phá ở Mỹ như Texas, Oklahoma và Kansas, học sinh từ nhỏ đã được dạy cách tự bảo vệ bản thân khi vòi rồng xuất hiện ra sao. Bên cạnh hướng dẫn, các vùng thường xuyên bị thiên tai này còn xây dựng các điểm trú ẩn an toàn, như người Nhật xây dựng kiên cố để biến các trường học thành nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra động đất, sóng thần cho người dân trong khu vực chung quanh hay các hầm trú ẩn tránh vòi rồng ở Mỹ.

Việc hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng thoát hiểm để người dân sống sót sau thảm họa, thiên tai cần được đưa vào chương trình giáo dục. Tùy theo đặc điểm khu vực mà có thể dạy từ cấp mẫu giáo hay tiểu học và phải được dạy đi dạy lại hàng năm với kiến thức bổ sung nâng cao để học sinh ghi nhớ nằm lòng và biến thành phản xạ như cách người Nhật đã làm.

Để hạn chế tối đa thương vong khi thiên tai xảy ra thì mỗi người dân đều cần được trang bị kiến thức, kỹ năng chứ không thể chỉ trông chờ vào việc may mắn có được một vị trưởng thôn quyết đoán như ông Ma Seo Chứ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới