(KTSG Online) - Năm Giáp Thìn 2024 mở đầu với sự gia tăng về chi tiêu lẫn đi du lịch của người dân Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ mùa xuân vừa qua. Đây có thể là phản ứng tích cực nhằm tạo cú hích cho nền kinh tế đang trì trệ của quốc gia này.
- Lượng khách Trung Quốc ra nước ngoài dự kiến tăng mạnh trong dịp Tết
- Bài toán ‘Xuân vận 2024’ của Trung Quốc
Bộ Văn hóa và du lịch Trung Quốc ghi nhận, có tổng cộng 474 triệu chuyến đi nội địa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn kéo dài 8 ngày. Con số này tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và 19% so với mức trước đại dịch vào năm 2019.
Ngành đường sắt được nhìn nhận là lĩnh vực trọng tâm hưởng lợi từ sự bùng nổ du lịch trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. Cụ thể ngành này ghi nhận 99,5 triệu lượt khách, đánh dấu mức tăng 36% so với số liệu của năm 2019. Hệ thống đường sắt đã đáp ứng hiệu quả về nhu cầu gia tăng trong đợt cao điểm du lịch dịp Tết Nguyên đán. Qua đó cũng thể hiện được năng lực mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng giao thông của quốc gia này.
Không chỉ đường sắt, ngành hàng không cũng góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ. Theo Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, khoảng 18 triệu lượt di chuyển được thực hiện bằng đường hàng không trong kỳ nghỉ lễ với số chuyến đi trung bình hàng ngày đạt mức cao kỷ lục 2,25 triệu chuyến.
Ông Hui Shan, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Goldman Sachs nhận định, đây là con số tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Dữ liệu du lịch tích cực trong năm mới là dấu hiệu “đáng khích lệ” cho thấy, tăng trưởng tiêu dùng thực tế của các hộ gia đình Trung Quốc có thể đạt 6% trong năm nay.
Kỳ nghỉ lễ mùa xuân mới kết thúc vào hôm 18-2 ở Trung Quốc được ghi nhận là dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau 5 năm không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hoặc các hạn chế liên quan. Vì vậy, chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ này được xem một phong vũ biểu quan trọng về tâm lý người tiêu dùng.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hy vọng, nhu cầu trong nước cải thiện sẽ giúp đất nước trở lại lộ trình tăng trưởng ổn định sau khi cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin suy yếu của nhà đầu tư kìm hãm các hoạt động kinh tế.
Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc là thời điểm mà hầu hết các công ty và nhà máy đóng cửa, trong khi các địa điểm du lịch tràn ngập du khách. Dữ liệu cho thấy, du khách chi 633 tỉ nhân dân tệ (89 tỉ đô la Mỹ) trong giai đoạn này, tăng 47% so với một năm trước đó và tăng 8% so với Tết Nguyên đán năm 2019.
Shen Meng, giám đốc của ngân hàng đầu tư Chanson & Co ở Bắc Kinh lưu ý, kỳ nghỉ lễ mùa xuân ở thời kỳ hậu đại dịch diễn ra trong thời điểm khó khăn. Ở góc độ nào đó, điều này khiến nhiều người phải mở ví chi tiêu để “giải tỏa căng thẳng”. Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc cũng đang hy vọng năm con Rồng sẽ mang lại chuyển biến đột phá cho nền kinh tế..
Hồi đầu tháng này, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 1 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ cũng chậm lại trong nhiều tháng qua.
Các nhà phân tích của ngân hàng Jefferies ước tính, dù tổng chi tiêu của du khách ở Trung Quốc tăng trong kỳ nghỉ lễ năm nay nhưng chi tiêu trung bình của cho mỗi du khách lại giảm 9,5% so với kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm 2019.
Qiu Jun, một giáo viên ở Thâm Quyến, người đã có chuyến du lịch 6 ngày 5 đêm tới Macau và hai thành phố Trung Sơn và Chu Hải của tỉnh Quảng Đông, thừa nhận, kinh tế khó khăn khiến cô phải hạn chế chi tiêu.
“Chúng tôi không mua sắm nhiều thứ và đặc biệt không đủ khả năng mua hàng xa xỉ. Điều này khác với các chuyến du lịch trước đây khi tôi thoải mái hơn trong chi tiêu mua sắm và ăn uống", Qiu Jun cho hay.
Các nhà phân tích nhận xét, du lịch là một trong số ít điểm sáng đối với triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Theo trang đặt phòng Trip.com, các chuyến đi của du khách Trung Quốc đến Singapore, Malaysia và Thái Lan trong kỳ nghỉ lễ vừa qua tăng 30% so với năm 2019. Trong những tuần gần đây, Singapore và Malaysia đã gia hạn miễn thị thực du lịch cho hầu hết công dân Trung Quốc.
Dữ liệu từ Bộ Văn hóa và thể thao Trung Quốc cho thấy, có 3,6 triệu khách Trung Quốc đi ra nước ngoài và 3,2 triệu khách quốc tế đến Trung Quốc trong dịp lễ hội mùa xuân. Hồng Kông, tổ chức màn bắn pháo hoa bên bến cảng Victoria lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã thu hút 750.000 du khách trong thời gian nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài 4 ngày. Có 650.000 trong số đó đến từ Trung Quốc đại lục, cao hơn số lượng được ghi nhận vào dịp Tết Nguyên đán năm 2018.
Theo Bộ Văn hóa và thể thao Trung Quốc, doanh thu bán vé nội địa ở Trung Quốc cho các buổi biểu diễn trực tiếp đã mang về gần 800 triệu nhân dân tệ trong kỳ nghỉ lễ, tăng 80% so với một năm trước đó.
Theo dữ liệu của nền tảng bán vé phim hàng đầu Trung Quốc Dengta Pro, tính đến hôm 17-2 doanh thu phòng vé ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ mùa xuân (bao gồm cả việc bán trước) vượt 7,84 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ). Đây được xác định là kỷ lục mới trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc.
Theo Financial Times, China Daily