Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người dân vẫn loay hoay với ứng dụng thuế điện tử

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc làm thủ tục hoàn thuế ra sao, thực hiện nghĩa vụ thuế thế nào khi phát sinh nợ thuế, làm gì để liên kết tài khoản ngân hàng với ứng dụng khai, nộp thuế là những thắc mắc được nhiều người nộp thuế (NNT) đặt ra khi sử dụng ứng dụng eTax Mobile.

Xoay xở hoàn thành nghĩa vụ thuế

Từ thời điểm chính thức triển khai vào tháng 3-2022 tới nay, đã có hơn 1,905 triệu lượt tải, cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, theo số liệu từ Tổng cục Thuế. Số giao dịch qua hệ thống liên kết giữa ứng dụng và các ngân hàng thương mại là 3.196.108 giao dịch, với tổng số tiền đã nộp thành công là 7.194,5 tỉ đồng.

Tổng cục Thuế và Cục Thuế các địa phương cũng thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn NNT sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Nhưng hiện vẫn có không ít NNT gặp khó khăn trong việc sử dụng ứng dụng này để tra cứu, thực hiện một số nghĩa vụ thuế.

Cục Thuế TPHCM hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế kê khai, quyết toán thuế.Ảnh: hcmcpv.org.vn

Ông V.M.H, hiện làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập ở Hà Nội, bất ngờ phát hiện khoản nợ thuế 1,75 triệu đồng - là tiền xử phạt vi phạm hành chính do chậm nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2017, khi làm quyết toán thuế TNCN trên trang: canhan.gdt.gov.vn/ICanhan.

“Tôi đã nộp đầy đủ số tiền thuế TNCN năm 2017 cùng số tiền xử phạt chậm nộp thuế sau khi có biên bản xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Sau khi có biên bản xử phạt, tôi đã chuyển hai khoản tiền trên vào Kho bạc Nhà nước và còn lưu hóa đơn nộp tiền. Do vậy, việc ghi nợ số tiền xử phạt 1,75 triệu đồng, cùng tiền lãi phát sinh là không chính xác”, ông H nói.

Ông H cũng cho biết, bản thân vẫn nộp thuế TNCN hoặc ủy quyền cho người khác nộp thay từ năm 2019 đến nay. Ngoài ra, ông không hề nhận được bất kỳ cuộc gọi, email hoặc thông báo, quyết định (bằng văn bản giấy - PV) về khoản nợ thuế của bản thân.

“Có lúc thì trên eTax báo tôi nợ 1,75 triệu đồng. Đến khi tôi nộp đủ số tiền này rồi, thì bằng cách nào đó, e-Tax lại ghi nhận tôi còn nợ… vài nghìn đồng tiền thuế nhà đất nào đó mà bản thân không hề biết”, ông H phân trần.

Khác ông H, bà N.T.N.L (Hà Nội) cho biết thường gặp khó khăn khi làm hồ sơ hoàn thuế, do phải thu thập nhiều loại giấy tờ chứng minh và thông tin tại nhiều nơi khác nhau. Hoàn thành đầy đủ thủ tục theo hướng dẫn của cán bộ thuế, nhưng không ít lần hồ sơ của bà L bị trả lại vì những lý do khác nhau.

Khó thực hiện thủ tục hoàn thuế trực tiếp, bà tìm cách thực hiện thủ tục trên ứng dụng eTax. Nhưng mọi việc cũng không dễ hơn, do những rắc rối về công nghệ, khiến bà “không biết cách nhập thông tin sao cho đúng tại nhiều khoản mục”. Ngoài ra, việc thiếu nghiệp vụ bù trừ số thuế nộp thừa và nộp thiếu, khiến NNT khó xác định số nợ/thừa thuế cuối cùng. Do đó, khó thực hiện thao tác cân bằng thuế trên ứng dụng.

Đánh giá khai và nộp thuế điện tử là hình thức giao dịch hiện đại, khi NNT có thể lập hồ sơ khai thuế và gửi dữ liệu đến cơ quan thuế qua ứng dụng. Đồng thời, dễ dàng tra cứu, thống kê các nguồn thu nhập phát sinh và nắm được việc thông tin cá nhân của mình có bị lợi dụng hay không. Nhưng chị D.V.V, hiện làm việc tại một cơ quan Nhà nước ở Hà Nội, thừa nhận nhiều lần gặp khó khăn khi liên kết tài khoản eTax Mobile với tài khoản ngân hàng, để thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

“Có một ngân hàng thực hiện liên kết rất nhanh và ổn định, nhưng với các ngân hàng khác, việc này gặp ít nhiều có khăn. Điều này có thể do kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa hai bên”, chị V cho biết.

Từ góc nhìn chuyên gia, luật sư Ngô Quang Thắng, Giám đốc Điều hành DVL Lawfirm thừa nhận, ứng dụng eTax Mobile giúp NNT dễ dàng tra cứu hồ sơ khai thuế, thông tin nghĩa vụ thuế và nộp thuế điện tử mọi lúc, mọi nơi trên thiết smartphone. Nhưng vẫn có trường hợp hệ thống eTax Mobile hoặc hệ thống của cơ quan thuế gặp sự cố kỹ thuật, dẫn đến việc cập nhật thông tin bị chậm trễ.

“Đôi khi, quá trình xử lý giao dịch từ ngân hàng đến cơ quan thuế có thể mất thời gian, đặc biệt là trong các giai đoạn cao điểm”, ông Thắng lưu ý.

Gỡ khó cho cơ quan thuế và người nộp thuế

Để tránh rắc rối về nghĩa vụ thuế, Luật sư Ngô Quang Thắng cho rằng, NNT cần kiểm tra kỹ biên lai hoặc xác nhận từ ngân hàng đảm bảo rằng giao dịch nộp thuế đã được thực hiện thành công. Ngoài ra, luôn giữ lại các biên lai, email và bất kỳ tài liệu nào liên quan đến việc nộp thuế, để sẵn sàng cung cấp bằng chứng khi cần.

“Khi gặp trục trặc, hãy gọi điện, gửi email, sử dụng dịch vụ hỗ trợ trực tuyến hoặc đến trực tiếp chi cục thuế nơi cư trú để thông báo vấn đề và cung cấp các chứng từ liên quan”, ông Thắng cho biết.

'Bản đồ số hộ kinh doanh' được triển khai trên ứng dụng eTax Mobile. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trong khi đó, một cán bộ của Cục thuế thành phố Hà Nội cho biết, nợ thuế có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, NNT kê khai sai hoặc thiếu, quên chưa nộp thuế, nộp tiền sai kho bạc/cơ quan thuế từ nhiều năm trước.

“eTax Mobile chỉ hiện thị số nợ hoặc thừa thuế cuối cùng, sau khi bù trừ toàn bộ số tiền NNT đã nộp cho tất cả các nghĩa vụ thuế phát sinh trong quá khứ, với ưu tiên bù trừ các khoản nợ phát sinh trước”, vị này giải thích.

Theo vị này, khi phát hiện số nợ hoặc thừa thuế không khớp với tờ khai đã nộp hàng năm, NNT cần liên hệ với cán bộ thuế nơi cư trú/làm việc để đối chiếu thông tin, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể tại tất cả các khâu.

“Số nợ/thừa thuế cuối cùng có thể đúng hoặc sai. Kết quả này một phần xuất phát từ lỗi kỹ thuật, dữ liệu, nhưng cũng có thể tới từ việc NNT chưa hiểu đúng, đủ về nghĩa vụ thuế của bản thân qua các năm”, vị này lưu ý.

Về dài hạn, Luật sư Thắng khuyến nghị, cơ quan thuế cần tiếp tục cải thiện hệ thống eTax Mobile, đảm bảo tính ổn định và nhất quán của dữ liệu hiển thị. Ngoài ra, đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, ngân hàng và các đơn vị liên quan để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác.

Ngành Thuế cũng cần nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và xử lý các lỗi hệ thống, dự đoán và ngăn chặn các vấn đề tiềm ẩn, cũng như cung cấp hỗ trợ tự động cho NNT. Đồng thời, phát triển hệ thống cảnh báo tự động để thông báo cho NNT về các khoản nợ thuế, hạn nộp thuế và các thay đổi liên quan.

Với NNT, cơ quan thuế cần cung cấp hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ trực tuyến để họ dễ dàng sử dụng.

5 BÌNH LUẬN

  1. Không lạ gì thuế. Rất nhiều “ứng dụng công vụ” khác cũng bất cập. Gần đây, khi online để làm thử thủ tục cấp lại giấy phép lái xe hết hạn, nhưng cũng phải mất nhiều thời gian, làm đi làm lại nhiều lần, liên hệ nhiều cấp mới được thông suốt. Trước hết là vướng ở Cục đường bộ, khi đăng nhập vào thì báo lỗi hệ thống quá tải, yêu cầu liên hệ nơi khác ? May mà có mấy cán bộ ở địa phương quen biết, tận tình hướng dẫn kiểu “Cầm tay chỉ việc”, thì việc mới xong. Chưa kể, việc kết nối dữ liệu khám sức khỏe giữa các bệnh viện với hệ thống dịch vụ công cũng bị trục trặc, hỏi một “bệnh viện quốc tế” thì họ trả lời không biết, cuối cùng phải chạy sang “viện tư” thì mới xong ? Vậy nên, Online/ Offline gì cũng vậy, nói được làm được, làm đến nơi đến chốn, dân mới được nhờ. Mong thay !

  2. Cần có một cơ quan độc lập, khách quan, làm nhiệm vụ đánh giá thường xuyên các ứng dụng số, trước hết là dịch vụ công, để chấm điểm/ xếp hạng/ thưởng phạt… nghiêm minh, công khai minh bạch. Không để mạnh ai nấy làm, làm ít nói nhiều, dở dở ương ương… Dân khổ. Kể cả những ứng dụng số dịch vụ tư, nếu có vấn đề về an toàn/ bảo mật/ tiện ích… cũng cần xử lý kiên quyết. Có lẽ việc này phải nhờ đến Bộ thông tin – truyền thông chăng ?

  3. Mới thấy phát động, hô hào, ban thưởng, trao huy hiệu, bảng vàng… trên sân khấu thì nhiều. Còn chất lượng, uy tín, tinh thần phục vụ… trên thực tế, thì vẫn còn ít và hiếm lắm.

  4. Người tiêu dùng đánh giá rất cao ứng dụng số trên lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhất là từ các ngân hàng lớn. Apps sở hữu nhiều tiện ích chất lượng cao, thường xuyên cập nhật độ an toàn, bảo mật để bảo vệ tài sản của khách hàng. Chỉ khi đầu tư bài bản, nghiêm túc, hiệu quả, thì mới có khả năng duy trì tính cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần. Lĩnh vực công vụ cũng cần có những giải pháp để tạo ra động lực đổi mới mạnh mẽ thì mới mong có sự cải thiện sớm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới