(KTSG Online) - Cận Tết Ất Tỵ 2025, trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10m² ở quận 11, anh Vương Giai Huân đang miệt mài hoàn thiện những đơn hàng đầu lân thu nhỏ. Ban đầu, anh đến với nghề vì đam mê trong thời gian thất nghiệp, nhưng khi chia sẻ lên mạng xã hội, sản phẩm thủ công này bất ngờ được yêu thích và nhiều người, đặc biệt là khách hàng nước ngoài tìm đến và đặt mua.
Những đầu lân thu nhỏ (mini) do anh Vương Giai Huân chế tác, dù là phiên bản thu nhỏ của các đầu lân truyền thống được các đoàn lân sư rồng sử dụng trong biểu diễn, nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và không hề đơn giản. Mỗi đầu lân không chỉ kể câu chuyện về văn hóa mà còn phản ánh hành trình cá nhân của Huân với vai trò một nghệ sĩ và thợ thủ công đầy tâm huyết.
Sinh ra trong gia đình có cha là võ sư, huấn luyện múa lân nên anh gắn bó với nghệ thuật lân sư rồng từ nhỏ, anh Huân sớm thừa hưởng tình yêu đặc biệt với bộ môn này. Tuy nhiên, con đường đưa anh đến với nghề thủ công chế tác đầu lân thu nhỏ lại bắt nguồn từ một biến cố. Năm 2021, khi dịch Covid-19 khiến anh rơi vào cảnh thất nghiệp và áp lực kinh tế đè nặng, anh buộc phải tìm hướng đi mới. Chính trong lúc mày mò tìm kiếm ý tưởng trên mạng xã hội, hình ảnh những chiếc đầu lân mini đã đánh thức niềm đam mê tiềm ẩn của anh.
Anh chia sẻ "Tôi phải tìm cách để nuôi sống gia đình, vậy tại sao không thử làm điều mà tôi luôn yêu thích?" Với suy nghĩ đó, anh bắt đầu tự mày mò cách chế tác những đầu lân. Ban đầu, việc này chỉ đơn thuần là thú vui trong mùa dịch, nhưng dần dần, những chiếc đầu lân đã trở thành công việc chính của anh.
Anh kể thêm rằng nhờ những lần cùng cha theo chân các đoàn múa lân rong ruổi biểu diễn khắp các con đường, ngõ hẻm, anh không chỉ cảm nhận sâu sắc nét đẹp của nghệ thuật này mà còn được một số thành viên trong đoàn tận tình hướng dẫn cách làm đầu lân. Nhờ vậy, anh thuộc nằm lòng ý nghĩa của từng bộ phận và chi tiết trên mỗi chiếc đầu lân.
"Tôi lớn lên giữa những chú lân. Cha tôi đã dạy tôi tính kỷ luật và sự tôn trọng đối với nghệ thuật. Tôi luôn bị mê hoặc bởi những thiết kế tinh xảo trên đầu lân," anh Huân nhớ về tuổi thơ của mình.
Khi tìm lại được niềm cảm hứng, anh đã kiên trì thử nghiệm và cuối cùng hoàn thiện chiếc đầu lân đầu tiên. Nhận thấy các sản phẩm này rất được ưa chuộng ở nước ngoài với mức giá lên đến vài chục triệu đồng, anh nảy ra ý tưởng làm đầu lân mini với mức giá thấp hơn, phù hợp với túi tiền của người Việt.
"Tôi nhận thấy những sản phẩm tương tự rất được ưa chuộng ở nước ngoài, có giá từ 20-30 triệu đồng. Người Việt muốn mua còn phải chịu thêm chi phí vận chuyển rất cao. Vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng sản xuất đầu lân mini với mức giá thấp hơn nhiều," anh Huân chia sẻ.
Sau khi hoàn thiện các tác phẩm, anh quyết định thử đăng sản phẩm lên mạng xã hội. Không ngờ, những chiếc đầu lân thu nhỏ nhận được nhiều lời khen ngợi và đơn đặt hàng. "Những tác phẩm tôi làm ra có giá dao động từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào thời gian chế tác và độ tỉ mỉ", anh cho biết thêm.
Việc chuyển sang làm đầu lân thu nhỏ mang đến những thách thức riêng. Không giống với đầu lân kích thước lớn được sử dụng trong các lễ hội và sự kiện truyền thống, các phiên bản thu nhỏ này thường được trưng bày trong nhà hoặc doanh nghiệp như một biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng.
Trong quá trình chế tác, khó khăn lớn nhất với anh Huân chính là việc tìm nguồn vật liệu. Do không có nhà cung cấp chuyên sản xuất các phụ kiện nhỏ cần thiết cho đầu lân, anh phải tự mình mày mò và tự chế tạo mọi thứ. "Muốn đầu lân có hồn thì phải chăm chút từng chi tiết. Tôi sử dụng cúc áo, ruy băng, kẽm nhung... và biến tấu chúng thành râu, mắt, lục lạc...", anh giải thích.
Khách hàng tìm mua các tác phẩm của anh Huân đa phần vì niềm tin cá nhân. Anh chia sẻ "Lân tượng trưng cho tài lộc và thịnh vượng, nên họ mua các tác phẩm của tôi với hy vọng mang lại những điều tốt lành."
Không chỉ phục vụ khách trong nước, anh Huân còn thu hút nhiều khách hàng nước ngoài đến từ Úc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia và nhiều quốc gia khác. "Mặc dù chi phí vận chuyển cao, họ vẫn đặt mua vì tò mò và yêu thích nét văn hóa Việt Nam. Tôi cũng hy vọng có thể giới thiệu một phần văn hóa dân tộc qua cách riêng của mình," anh chia sẻ thêm.
Về phương pháp chế tác, anh Huân cho biết "Nghề làm đầu lân thu nhỏ hiện nay không phải quá hiếm. Một số người chọn cách đổ khuôn composite, sử dụng lá bài, mây tre... nhưng điểm khác biệt trong tác phẩm của anh là được làm hoàn toàn thủ công. "Tôi sử dụng phương pháp truyền thống của nghề làm đầu lân, đó là bồi giấy. Ngày trước, nghề bồi giấy khá phổ biến, nhưng ngày nay đang dần trở nên thưa vắng", anh nói.
Mỗi chiếc đầu lân, dù có kích thước nhỏ, đều được chế tác theo quy trình tỉ mỉ như một chiếc đầu lân thông thường. Anh Huân chia công việc này thành năm công đoạn chính.
Đầu tiên là tạo khung hình đầu lân. Tiếp theo là công đoạn tạo phôi, được thực hiện bằng cách đắp từng lớp giấy và sử dụng keo để kết dính. Ở bước này, mỗi lớp giấy phải được để khô hoàn toàn trước khi tiếp tục bồi lớp tiếp theo. Quy trình cẩn thận này cũng chính là lý do thuật ngữ bồi giấy trở thành nét đặc trưng trong nghề truyền thống.
Quy trình làm đầu lân này đòi hỏi sự chậm rãi và kiên nhẫn. "Tôi phải làm từng chút, từng chút một, hoàn thành xong bước này mới có thể chuyển sang bước tiếp theo. Nếu xảy ra lỗi ở bất kỳ công đoạn nào, tôi buộc phải chỉnh sửa hoặc làm lại từ đầu, điều này sẽ còn tốn thời gian hơn," anh Huân chia sẻ.
Sau khi hoàn thiện phần phôi, anh bắt đầu tỉ mỉ sơn từng chiếc đầu lân, kết hợp màu sắc truyền thống với tính thẩm mỹ hiện đại. Các thiết kế của anh bao gồm những họa tiết văn hóa quen thuộc trên các đầu lân lớn, như rồng, phượng hoàng và cá chép – biểu tượng cho sức mạnh, quyền uy và sự thịnh vượng. Đồng thời, anh cũng linh hoạt thêm các họa tiết đương đại, đáp ứng yêu cầu riêng của khách hàng.
Việc lựa chọn màu sắc đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này. Nhiều khách hàng thường tìm kiếm những màu sắc phù hợp với không gian trưng bày hoặc mang ý nghĩa theo niềm tin cá nhân.
Chưa từng được đào tạo bài bản qua trường lớp, anh Huân phải tự nghiên cứu, dành nhiều thời gian để thử nghiệm pha trộn và kết hợp các loại sơn nhằm đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
Thông thường, anh sử dụng sự kết hợp giữa sơn gốc nước, sơn dầu và acrylic, đồng thời thử nghiệm thêm với hỗn hợp xăng và vecni để tạo độ sáng và bóng mong muốn. Anh thừa nhận rằng đây vừa là ưu điểm vừa là hạn chế trong quá trình sản xuất.
Các sản phẩm được làm bằng máy móc hiện đại có màu sắc và hoa văn đạt độ hoàn thiện gần như tuyệt đối. Trong khi đó, sản phẩm thủ công của anh chỉ đạt đến một mức độ nhất định về sự chính xác. Tuy nhiên, chính sự thủ công ấy lại mang đến vẻ đẹp tự nhiên và độc đáo mà máy móc không thể tạo ra.
Hiện tại, anh Huân cũng đang hợp tác với một số đối tác để tổ chức các buổi thực hành làm đầu lân mini. Đây không chỉ là một hoạt động sáng tạo mà còn là cách anh muốn truyền tải và gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Mỗi buổi thực hành người tham gia sẽ được cung cấp phôi và chỉ cần vẽ, trang trí cho tác phẩm.
Giá tham gia buổi thực hành đối với khách Việt Nam là 200.000 đồng và khách nước ngoài là 450.000 đồng. Anh hy vọng, những buổi thực hành này không chỉ là cơ hội để mọi người khám phá và học hỏi mà còn là cách để anh gửi gắm những giá trị văn hóa truyền thống vào từng sản phẩm, từ đó góp phần gìn giữ và phát triển ngành nghề đặc trưng này.