Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người giàu châu Á dần tránh xa tiền mã hóa

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lo ngại về lạm phát gia tăng và sự biến động của thị trường đã khiến người giàu châu Á thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư hay kinh doanh – theo khảo sát năm 2022 của ngân hàng đầu tư tư nhân Lombard Odier tại Thụy Sĩ.

Các cá nhân có giá trị ròng cao, tức những người giàu có thể đầu tư từ 1 triệu đô la trở lên đang thận trọng và bảo thủ hơn, chuyển dòng tiền sang thị trường tư nhân để bảo vệ tài sản khỏi các biến động của thị trường.

Lombard nói rằng người giàu châu Á đang tránh xa cổ phiếu và trái phiếu để tập trung vào doanh nghiệp của riêng mình hoặc các tài sản được xem là an toàn hơn như vàng và tiền mặt. Đồng thời, họ cũng hiểu rõ rằng các đồng tiền mã hóa vốn dễ bay hơi giá trị trong thời gian ngắn.

Đầu tư tiền mã hóa cực thấp

Lombard hiện quản lý và giám sát khối tài sản hơn 360 tỉ đô la Mỹ của các khách hàng trên toàn cầu. Ngân hàng đã thực hiện khảo sát hơn 450 cá nhân có giá trị ròng cao ở Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Đài Loan và Úc trong hai tháng 5 và 6- 2022.

“Các nhà đầu tư châu Á đang trở nên thận trọng hơn trong việc xây dựng danh mục đầu tư và đang chuyển hướng sang các tài sản tư nhân và tài sản thay thế có độ an toàn cao hơn. Đồng thời, họ cũng đa dạng hóa, mở rộng đầu tư ra khỏi biên giới của thị trường địa phương. Phân bổ đầu tư cho hạng mục tài sản kỹ thuật số cực kỳ thấp”, Vincent Magnenat, người đứng đầu khu vực châu Á của Lombard, nói trong một thông cáo của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ công bố ngày 7-9.

Có đến 83% cá nhân có giá trị ròng cao ở châu Á không có bất kỳ khoản đầu tư nào vào tiền mã hóa hoặc có đầu tư nhưng hạng mục tiền mã hóa chiếm ít hơn 5% tổng danh mục. Sự thận trọng của người giàu châu Á nói chung lại càng làm nổi bật xu hướng trái ngược ở Indonesia.

Có đến 83% người giàu châu Á không có bất kỳ khoản đầu tư nào vào tiền mã hóa hoặc có đầu tư nhưng ít hơn 5% tổng danh mục đầu tư, ngân hàng đầu tư Lombard Odier của Thụy Sĩ – Ảnh: Reuters

Theo chỉ số Bloomberg Billionaire Index, sụt giảm của cổ phiếu công nghệ và lạm phát tăng vọt trong bối cảnh lãi suất tăng đã khiến khối tài sản tích lũy của 500 người giàu nhất thế giới bị bốc hơi 1.400 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2022.

Đây là sự đảo ngược so với hai năm trước khi ngân hàng trung ương các nước bơm tiền cứu trợ nền kinh tế trước các tác động của Covid-19, khiến khối tài sản của người giàu và siêu giàu nở rộng.

Lombard cho biết sự gia tăng lạm phát và những tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu là mối quan tâm lớn nhất đối với 77% người được hỏi. Một nửa trong số họ lo lắng về sự biến động của thị trường, khiến 56% trong số này tăng cường đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Các cá nhân giàu có trong cuộc khảo sát cũng tránh xa tiền điện tử, với 83% trong số đó không đầu tư hoặc chỉ dành ít hơn 5% danh mục đầu tư cho loại tài sản này.

Ngân hàng Thụy Sĩ cho biết mối lo ngại về tính thanh khoản thấp, đặc biệt là ở các thế hệ lớn tuổi hơn, đã khiến giới giàu có quan tâm hơn đến các loại tài sản sở hữu tư nhân. Dường như các nhà đầu tư trong khu vực tin rằng điều này cho phép họ nắm bắt những thay đổi về cấu trúc theo cách có quy củ và dễ kiểm soát rủi ro.

Người giàu ở Singapore và Úc đang dẫn đầu xu hướng này, với khoảng 60% có kế hoạch tăng phân bổ vào các thị trường tư nhân, không phải thị trường đại chúng.

“Mối quan tâm về tình hình thiếu ổn định lâu dài, độ biến động và khả năng có thể kiểm soát hay quản lý rủi ro là đồng nhất trên các thị trường và nhóm tuổi khác nhau”, theo lời Jean- Francois Aboulker, người phụ trách nhóm thị trường người siêu giàu của Lombard ở châu Á.

Luật càng chặt, “sự thèm khát” của người đầu cơ càng giảm

Số người được Lombard thăm dò ở Indonesia cao hơn ở các nước khác. Kết quả gây bất ngờ: Người giàu và siêu giàu ở Indonesia có tỷ lệ đầu tư vào tiền ảo là cao nhất 77%, so với 59% ở Hồng Kông và 55% tại Đài Loan.

Nghiên cứu của Lombard cho thấy người giàu ở Indonesia có xu hướng đầu tư lớn vào tiền mã hóa, thậm chí còn nhiều hơn người dân ở các trung tâm tài chính châu Á như Singapore và Hồng Kông, bất chấp sự trồi sụt thất thường về giá trị của các đồng tiền này trong nhiều tháng qua.

Gần 40% những người được hỏi ở Indonesia, quốc gia đông dân nhất đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có kế hoạch tăng tỷ trọng của tài sản kỹ thuật số trong danh mục đầu tư. Điều này trái ngược hoàn toàn với con số 20% ​​ở Singapore và Hồng Kông.

Kết quả khảo sát của Lombard vẽ ra bức tranh về “sự thèm khát” của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro trong bối cảnh được gọi là “mùa đông tiền mã hóa”.

Hồi tháng 5-2022, đồng TerraUSD, còn được gọi là UST khi đó, đạt đỉnh cao khi tổng giá trị thị trường chạm gần ngưỡng 19 tỉ đô la. Sự sụp đổ bất ngờ của UST và mã token Luna song hành đã khiến cả hai hiện nay trở nên gần như là vô giá trị.

Được gọi một cách mỉa mai là “stablecoin” – đồng coin ổn định, các mã token dự kiến sẽ duy trì giá trị ở mức 1 đô la nhưng lại chúi mũi, khiến các loại tiền điện tử khác từ bitcoin đến Ethereum đồng loạt giảm giá trị.

“Có lẽ ngay từ đầu, người dân Indonesia đã quan tâm rất nhiều đến việc đầu tư vào tiền điện tử. Vì thế, xu hướng này trở nên nổi bật hơn ở Indonesia”, Aboulker nói.

Aboulker gợi ý, các cách tiếp cận khác nhau đối với quy định tiền điện tử có thể dẫn đến thái độ khác nhau đối với loại tài sản. Nhưng ông nhìn nhận, không có câu trả lời chính xác cho lý do tại sao những người ở Indonesia có vẻ “hăng máu” hơn các nơi khác. Việc mua bán hay đầu tư tiền điện tử tại Indonesia được cho phép, với bitcoin được công nhận là hàng hóa, theo hãng tư vấn Cekindo Business International của Indonesia.

Ở Singapore và Hồng Kông, việc giám sát kỹ lưỡng tiền điện tử đã được siết chặt hơn. Sự sụp đổ của các đồng tiền mã hóa trong năm nay đã gây tổn hại với nhiều nhà đầu tư và nơi cung cấp dịch vụ mã token. Tình trạng này buộc nhà chức trách hai trung tâm tài chính châu Á phải xem xét các động thái tiếp theo để kiểm soát rủi ro chặt hơn.

Singapore đang nỗ lực đưa ra các điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với những người đầu cơ tiền ảo, tiền ảo để kiếm lợi, bao gồm cả việc có thể đặt giới hạn đòn bẩy, sau khi họ dần dần mở rộng phạm vi hoạt động để đảm bảo rằng những người chơi tiền điện tử ở bang thành phố được cấp phép hợp lệ.

Theo hãng luật Norton Rose Fulbright, một số cơ quan quản lý tài chính của Hồng Kông đã ban hành hướng dẫn liên quan đến tài sản tiền điện tử, bao gồm Ủy ban chứng khoán và hợp đồng tương lai hay Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông (HKMA).

Hồi tháng 6, đặc khu này đã ban hành cơ chế cấp phép cho những công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo, các quy định chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố tương tự như Singapore đã làm trong hai năm qua.

“Mỗi quốc gia tiếp cận với tiền mã hóa theo cách khác nhau. Khi tiền điện tử mới xuất hiện, ban đầu là bitcoin rồi Ethereum và các đồng khác, tất nhiên chúng ta thấy có động lực để hào hứng đầu tư. Giờ đây, sự hào hứng đang được thử thách”, Aboulker nhấn mạnh.

Theo Bloomberg, Nikkei Asia

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới