(KTSG Online) - Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, số lượng người dân tham gia khám, chữa bệnh BHYT qua việc tra cứu thông tin từ căn cước công dân (CCCD) gắn chip mới đạt khoảng 4,36% trên tổng số hơn 110 triệu lượt người khám, chữa bệnh (tính đến ngày 18-11).
- Thiếu thuốc chữa bệnh, quyền lợi BHYT của người dân có bị ảnh hưởng hay không?
- Dùng CCCD gắn chip để nộp, rút, chuyển khoản tiền tại cây ATM của BIDV
Sau gần 9 tháng triển khai thí điểm việc khám, chữa bệnh BHYT bằng phương thức tra cứu thông tin qua CCCD gắn chip (từ tháng 3 đến 11-2022), Bộ Y tế nhận định, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh với hình thức này còn thấp.
Cụ thể, báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 18-11, cả nước có 11.726 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai việc khám, chữa bệnh BHYT bằng phương thức tra cứu thông tin người dân qua CCCD gắn chip, đạt tỷ lệ 92% trên tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.
Số lượng người dân tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chip này là gần 4,8 triệu lượt. Trong đó có hơn 2,9 triệu lượt tra cứu thành công.
Tỷ lệ tra cứu thành công đạt hơn 61,3% trên tổng số lượt được tra cứu. Tuy nhiên, số lượt người dân tham gia khám, chữa bệnh BHYT có tra cứu bằng CCCD gắn chip mới chỉ đạt khoảng 4,36% trên tổng số hơn 110 triệu lượt khám, chữa bệnh.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế vừa ban hành văn bản thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip. Trong đó, cơ quan này đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai việc khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc qua ứng dụng VNelD (ứng dụng định danh điện tử) của Bộ Công an theo quy định.