Người không quốc tịch ở VN có thể được hưởng quyền và nghĩa vụ
Quang Chung
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tại hội thảo Nguồn: www.moj.gov.vn |
(TBKTSG Online) - Việt Nam có hàng chục ngàn người không quốc tịch và họ sẽ được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình nếu Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về Quy chế của người không quốc tịch (Stateless Person) 1954.
Ngày 8-12, Bộ Tư pháp và Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả rà soát các quy định pháp luật của Việt Nam về người không quốc tịch và khả năng Việt Nam tham gia Công ước 1954.
Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, quyền quốc tịch là một trong những quyền cơ bản và đầu tiên của một cá nhân khi ra đời. Quốc tịch thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với quốc gia, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó với quốc gia mà mình có quốc tịch và quyền, trách nhiệm của quốc gia đó với cá nhân mang quốc tịch của quốc gia mình.
Quyền quốc tịch quan trọng là vậy nhưng ở Việt Nam hiện có rất nhiều người không quốc tịch. Số liệu của Bộ Tư pháp (tổng hợp từ 63 tỉnh, thành) cho thấy cả nước chỉ có 4.741 người không quốc tịch đủ điều kiện gia nhập quốc tịch Việt Nam (cư trú trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên - Luật Quốc tịch 2008); trong khi vẫn còn hàng chục ngàn người không quốc tịch chưa đủ điều kiện gia nhập quốc tịch Việt Nam (có thời gian cư trú dưới 20 năm).
Rà soát của Bộ Tư pháp cho thấy có bốn nhóm người không quốc tịch; đó là: (i) những người di cư tự do từ Campuchia đến sinh sống tại các tỉnh phía Nam; (ii) những người di cư tự do từ Lào sống dọc các tỉnh biên giới phía Tây; (iii) những người di cư tự do từ Trung Quốc sống tại các tỉnh biên giới phía Bắc; và (iv) những người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài song vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài nên trở về Việt Nam sinh sống.
Vì vậy, theo ông Ngọc, để người không quốc tịch được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như giúp Nhà nước quản lý họ tốt hơn, Bộ Tư pháp đang tích cực nghiên cứu để Việt Nam tham gia Công ước 1954. “Công ước này là thiết chế đa phương đóng vai trò thúc đẩy tất cả các nước hành động theo hướng làm giảm và có thể loại trừ tình trạng không quốc tịch”, ông Ngọc nói.
Ông Nicholas Oakeshot, chuyên gia của UNHCR (Khu vực Đông Nam Á) cho rằng, để hoàn thiện pháp luật về quốc tịch và đảm bảo tốt hơn các quyền con người, Việt Nam nên tham gia Công ước 1954. Ông nói: "Quy chế của người không quốc tịch - Công ước 1954 - sẽ giúp Việt Nam sẽ cải thiện được tình trạng pháp lý và nâng cao vị thế của người không quốc tịch, bảo đảm các quyền cơ bản của con người đối với người không quốc tịch, hướng đến việc các quốc gia thành viên Công ước cấp quốc tịch cho người không quốc tịch hiện đang cư trú trên quốc gia mình".