Chủ Nhật, 23/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Người phản biện cần được lắng nghe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người phản biện cần được lắng nghe

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Người phản biện cần được lắng nghe
Phản biện xã hội chính là công cụ hữu hiệu có thể giúp hạn chế tác hại của tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" đang xuất hiện tràn lan.

(TBKTSG) - Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn...” có lúc nghe thấy khắp nơi, gần đây ít được nhắc đến. Nhưng cuối tuần trước, nội hàm của khẩu hiệu này vô hình trung lại xuất hiện khi Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) lần VIII diễn ra tại Hà Nội, trong đó vai trò phản biện xã hội được khẳng định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức này.

Có lẽ cũng không cần bàn nhiều về tầm quan trọng của việc “dân biết, dân bàn”, hay phản biện xã hội, trong cơ chế vận hành của tất cả các xã hội phát triển bình thường hiện nay trên thế giới. Xét bối cảnh xã hội Việt Nam thì những tiếng nói phản biện lại có một ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình dân chủ hóa và xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Trong khi chờ đợi những cơ chế mới nhằm cải thiện tình trạng lạm quyền, tùy tiện, phản biện xã hội chính là công cụ hữu hiệu có thể giúp hạn chế tác hại của tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đang xuất hiện tràn lan.

Những điều nói trên là rất hiển nhiên. Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng vai trò hiển nhiên đó của phản biện xã hội còn có một khoảng cách rất xa so với yêu cầu.

Về mặt lý thuyết, có một sự khác biệt rất lớn giữa kỳ Đại hội MTTQVN lần này và những lần trước. Đó là vai trò phản biện xã hội của tổ chức này đã được chính thức quy định trong Hiến pháp 2013. Thêm nữa, cuối năm ngoái, Bộ Chính trị ra Quyết định 217 ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy chương III quy định “Hoạt động về phản biện xã hội” trong quy chế nói trên chưa đầy 800 chữ, văn bản này phần nào đó cũng thể hiện sự cầu thị của Đảng đối với hoạt động phản biện.

Đây là những điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Với đặc thù xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, có thể nói thành công của phản biện xã hội nằm ở thái độ lắng nghe của Đảng và chính quyền đối với các chủ thể phản biện (các tổ chức, đoàn thể xã hội, người dân...). Nói như vậy là vì phản biện xã hội là nhu cầu tự thân xuất phát từ các chủ thể phản biện và nhu cầu này bao giờ cũng tồn tại hiển nhiên. Vấn đề là nó có được đáp ứng đúng mức hay không.

Ở chiều ngược lại, quá trình phản biện tự thân đã bao hàm ý nghĩa một số điều “khó nghe” đối với những cơ quan được phản biện. Thật không dễ cho những người vốn quen cảnh “một mình, một chợ” phải lắng nghe những ý kiến trái với quan điểm của họ. Nhưng phản biện bằng những ý kiến trái chiều là điều hết sức cần thiết.

Quan trọng không kém là sau khi lắng nghe, các cơ quan được phản biện của Đảng và chính quyền sẽ làm gì để tiếp thu những lời phản biện đúng đắn mang tính chất xây dựng, thậm chí liệu có đủ dũng cảm dẹp bỏ cả một dự án hay cả một chủ trương nếu các chủ thể phản biện chứng minh được tính không khả thi của dự án hay chủ trương đó.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới