(KTSG Online) – Trước diễn tiến khó khăn từ kinh tế toàn cầu cũng như những vấn đề nội tại của thị trường trong nước, người dân đang ngày càng mạnh tay cắt giảm chi tiêu.
Quí 1-2023 ghi nhận tăng trưởng GDP của TPHCM chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương (lần lượt tăng trưởng cao là Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ). Con số này phần nào cho thấy tác động cộng gộp trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cũng như cả việc người tiêu dùng bắt đầu thắt hầu bao mạnh tay hơn.
Sức chi tiêu của người dân giảm mạnh nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Theo dữ liệu từ nền tảng của Payoo, một trong những nền tảng thanh toán trực tuyến và ngoại tuyến lớn, quí 1-2023 đa phần các cửa hàng thuộc nhóm điện thoại, điện máy đều giảm 30-50% doanh thu so với quí trước. Trong khi mức thanh toán qua nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi sụt giảm 5-10%, và khoảng 10% đối với các trung tâm thương mại.
Kết quả kinh doanh của một trong những chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam cũng cho thấy sự khó khăn. Theo báo cáo của Công ty cổ phần Thế giới Di động, với chuỗi TGDĐ và Điện Máy Xanh, tổng doanh thu lũy kế hai chuỗi trong quí 1-2023 giảm 34% từ nền cao của quí 1 -2022.
Trong đó, doanh thu hầu hết sản phẩm điện thoại, điện máy giảm từ 25-35% cùng kỳ, máy tính xách tay giảm mạnh 40-50%. Các sản phẩm ICT chiếm tỷ trọng doanh số lớn từ hoạt động kinh doanh, khiến doanh thu trực tuyến giảm 40% so với cùng kỳ.
Còn với chuỗi Bách Hóa xanh, doanh thu lũy kế lại tăng 5% trong quí 1, dù giảm 20% số lượng điểm bán so với cùng kỳ, trong đó kênh online tăng 19% và nhóm thực phẩm tươi sống đóng góp quan trọng (tăng trưởng 40% so với cùng kỳ). Nhưng một điểm đáng chú ý là giá trị đơn hàng bình quân chỉ bằng khoảng 85% so với cùng kỳ do khách hàng có tâm lý thắt chặt chi tiêu.
Với chuỗi bán lẻ thương hiệu FPT, đại hội cổ đông mới đây thông qua kế hoạch doanh thu tăng 13% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 51% so với mức thực hiện cao của năm 2022. Kết quả năm nay dự báo các yếu tố thách thức như sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh, chi phí tài chính liên tục tăng, lạm phát, thị trường tài chính tiêu dùng suy giảm,… Đặc biệt, dược phẩm dù là nhóm mặt hàng thiết yếu nhưng cũng dự báo bị ảnh hưởng do khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn.
Khảo sát Thói quen tiêu dùng toàn cầu vừa công bố mới đây của hãng tư vấn và kiểm toán PwC, cho thấy với thị trường Việt Nam, khoảng 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (69%). Tuy nhiên, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam “ít lo lắng về tình hình tài chính cá nhân” cao hơn so với trong bình diện toàn cầu và Đông Nam Á (lần lượt là 25%, 14% và 13%).
Khảo sát về dự định chi tiêu trong vòng 6 tháng tới cũng cho thấy có sự cắt giảm nhu cầu tiêu dùng đối với một số danh mục sản phẩm nói chung. Ngoài ra, nhu cầu cũng có thể thay đổi trong cùng danh mục trước đó, chẳng hạn như ưu tiên sản phẩm có khối lượng, ưu đãi lớn hơn để có lợi hơn.
“Thói quen chi tiêu của người tiêu dùng cũng dần thay đổi. Người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu, kết hợp mua sắm trực tiếp và trực tuyến và ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín. Các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng này và kịp thời thích ứng để có thể duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường không ngừng thay đổi”, ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thương vụ, PwC Việt Nam nhận định.