Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Người tiêu dùng đối mặt nhiều rủi ro trong cơn bùng nổ mua sắm online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người tiêu dùng đối mặt nhiều rủi ro trong cơn bùng nổ mua sắm online

Chánh Trung

(KTSG Online) – Các hiện tượng quảng cáo gian dối, bán hàng không rõ nguồn gốc, lừa đảo bán hàng, cung cấp thông tin không rõ ràng, không đầy đủ… khiến việc mua hàng online của người tiêu dùng mất an toàn.

Người tiêu dùng đối mặt nhiều rủi ro trong cơn bùng nổ mua sắm online

Người tiêu dùng nên tỉnh táo, cảnh giá để có thể "đi chợ" an toàn trong mùa dịch. Ảnh: Tường Vy

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 thì loại hình kinh doanh này ngày càng được quan tâm sử dụng và trở nên phổ cập.

Nhiều rủi ro cho người "đi chợ" mạng

Đối với các tài khoản Facebook cá nhân, thủ phạm sẽ lần lượt nhắn tin danh sách bạn bè để nhờ nạp tiền, chuyển khoản,… Đối với các tài khoản ngân hàng, thủ phạm sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền,… để chiếm đoạt. Dù thủ thuật này không mới và đã xuất hiện cách đây vài năm nhưng do bối cảnh nhu cầu mua sắm online tăng cao nên vẫn có người dân mất cảnh giác bị lừa, đại diện Saigon Co.op cho hay.

Thời gian qua trên cả nước đã xuất hiện nhiều sàn TMĐT thu hút lượng khách hàng lớn như: Sendo.vn, Lazada, Voso.vn, Tiki, Shopee… Nhờ đó, người tiêu dùng không phải mất thời gian đến trực tiếp các cửa hàng, cũng không phải chờ đợi lâu để thanh toán… mà chỉ cần ở nhà, truy cập internet, thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mong muốn. Sản phẩm sau đó sẽ được giao đến tận nơi theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Đặc biệt gần đây dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương khiến mua hàng online trở thành phương thức tiện lợi, an toàn và được khuyến khích. Tại nhiều địa phương như TPHCM nhu cầu mua sắm online của người dân từ đầu tháng 7 đến nay tăng vọt. Đại diện nhiều sàn TMĐT như Voso.vn, Sendo.vn, Shoppe… cho hay lượng đơn hàng trên các nền tảng này tăng vọt, thậm chí nhiều thời điểm ghi nhận nhiều sàn TMĐT bị “nghẽn” do lượng người mua quá nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì giao dịch qua TMĐT hay mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho hay.

Nhiều người tiêu dùng cho biết thời gian qua có đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử và một số món hàng có vấn đề về chất lượng, nguồn gốc, giấy tờ giao dịch. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng liên hệ sàn để phản ánh thì không được giải quyết. Một số người tiêu dùng phản ánh bị hủy đơn hàng tự động vì người giao hàng không liên hệ được người mua, tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng không nhận được liên hệ của bên giao hàng.

Bên cạnh đó nhiều người tiêu dùng cho hay không mua được hàng theo giá quảng cáo. Theo đó trong một số chương trình khuyến mãi, sau khi đặt mua thành công hàng hóa với giá khuyến mãi, người tiêu dùng được thông báo đã hết hàng khuyến mại và đề nghị mua hàng với giá không khuyến mại.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết gần đây nhận được rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về việc bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… trên các nền tảng mạng xã hội, website, sàn TMĐT. Bên cạnh đó các hành vi từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng liên tục được phản ánh.

Đại diện Saigon. Co.op cho biết lợi dụng nhu cầu mua sắm trên nền tảng onine tăng cao, một số thành phần xấu đã mạo danh các nhãn hàng, siêu thị để gửi link đường dẫn lừa người dân nhập tên, mật khẩu Facebook cá nhân. Cá biệt có một số trang khuyến dụ người dân cung cấp thông tin, mật khẩu tài khoản ngân hàng rồi sau đó chiếm dụng.

Đại diện các siêu thị, nhãn hàng cho biết không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân cần phải bảo mật như mật khẩu Facebook, mật khẩu ngân hàng, ….  khi mua sắm trên các trang online của họ. 

Người tiêu dùng cảnh giác cao độ

Khi hoạt động mua sắm online tăng đột biến như hiện nay thì các nguy cơ lừa đảo, gian dối đối tới nhiều tiêu dùng sẽ xuất hiện hiện nhiều hơn. Vì vậy người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác để tránh bị lừa đảo, thiệt hại, đại diện các siêu thị, sàn thươg mại điện tử, ứng dụng đi chợ hộ cảnh báo.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng trước khi giao dịch, người tiêu dùng nên xác định về tính chính xác, mức độ tuân thủ pháp luật của website TMĐT thông qua việc kiểm tra xem website đã thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hay chưa.

Bên cạnh đó cần lựa chọn người bán uy tín, nếu giao dịch trên website mà đơn vị sở hữu website và người bán là một thì có thể an tâm. Trong trường hợp website bán hàng là của một công ty thương mại nhưng tài khoản Zalo, Facebook lại là của một cá nhân thì người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin trên Google, hỏi thông tin qua bạn bè xem lịch sử giao dịch của website này có thông tin gì cần lưu ý hay không.

Hiện một số sàn TMĐT có cơ chế xác nhận gian hàng chính thức của các công ty, thương hiệu chính thức, ví dụ sàn Shopee có biểu trưng “Shopee Mall” dành cho các thương hiệu chính thức, người tiêu dùng có thể lựa chọn những thương hiệu này. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý có tình trạng người bán tự do đặt logo, hình ảnh giống với biểu trưng của người bán “chính hãng" khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn (các người bán chính hãng thường có dấu tích xác nhận chính hãng bên cạnh logo hay có dòng chữ thông báo đã xác nhận chính hãng với sàn TMĐT).

Cẩn trọng với các bình luận, nhận xét, đánh giá của người dùng vì hiện nay có một số cách thức kỹ thuật có thể can thiệp vào số lượng và nội dung của các bình luận, nhận xét, đánh giá đối với sản phẩm, người bán trên các website thương mại điện tử. Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoàn toàn tin tưởng vào các bình luận, nhận xét này, trừ trường hợp xác định rõ về tính chính xác của các thông tin.

Trường hợp nhận thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, người tiêu dùng nên chia sẻ thông tin vụ việc để người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết và chủ động phòng tránh (nhắn tin bằng điện thoại cho bạn bè trong danh sách, hoặc nhờ bạn bè đăng tin cảnh báo rộng rãi trên Facebook, Zalo…). Phản ánh, khiếu nại tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi (người tiêu dùng có thể liên hệ với Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đầu số 1800.6838).

 

Mời xem thêm:

Đi chợ trên mạng mùa dịch, dễ hay khó?

Cơ sở nào ngành thuế yêu cầu sàn TMĐT khai, nộp thuế thay hộ, cá nhân kinh doanh?

Sàn TMĐT phải cung cấp dữ liệu cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới