(KTSG Online) - Tiền tiết kiệm mới của hộ gia đình Trung Quốc gửi tại các ngân hàng tăng lên mức cao kỷ lục là 17,84 nghìn tỉ nhân dân tệ (2,6 ngàn tỉ đô la Mỹ) trong năm 2022, cao hơn 80% so với năm 2021. Niềm tin suy giảm trong cơn bất ổn kinh tế do chiến lược ‘zero Covid’ khiến người dân Trung Quốc tăng cường tích lũy tiền phòng thân đồng thời hạn chế chi tiêu và đầu tư. Các chuyên gia kinh tế nhận định tiêu dùng nội địa ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi chậm sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách ‘zero Covid’ hồi cuối năm ngoái.
- Giới trẻ Trung Quốc chuyển sang lối sống tằn tiện khi kinh tế đất nước sa sút
- Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục hồi kinh tế
Tăng tiết kiệm, giảm vay nợ
Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố hôm 8-2 cũng cho thấy các hộ gia đình Trung Quốc đã vay tương đương 564 tỉ đô la trong năm 2022, giảm hơn 50% so với năm trước đó, đánh dấu mức vay thấp nhất kể từ năm 2013.
Cú giảm sốc của hoạt động vay nợ phần lớn là do nhu cầu mua nhà suy yếu trong thời kỳ khủng hoảng của bất động sản, dẫn đến nhu cầu vay thế chấp giảm mạnh. Chi tiêu hàng ngày của người tiêu dùng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng trong các thời kỳ phong tỏa ở nhiều thành phố của Trung Quốc, làm giảm nhu cầu vay ngắn hạn.
Thay vào đó, mọi người sốt sắng tích lũy tiền mặt, đẩy lượng tiền tiết kiệm mới mà các hộ gia đình ở Trung Quốc gửi ở các ngân hàng lên mức cao kỷ lục 2,6 nghìn tỉ đô la trong năm ngoái. Con số đó lớn hơn 1/3 tổng thu nhập của hộ gia đình Trung Quốc cũng trong năm ngoái. Trước đại dịch Covid-19, họ tiết kiệm khoảng 1/5 thu nhập hàng năm của mình.
Với ít lựa chọn đầu tư hấp dẫn giữa lúc thị trường chứng khoán trải qua một năm ảm đạm, một số hộ gia đình đã sử dụng tiền mặt dư thừa của mình để trả trước khoản vay thế chấp thay vì mua sắm lớn trong năm 2022.
Bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tạo ra tác động sâu rộng đối với các ngân hàng và doanh nghiệp của nước này. Dù lượng tiền gửi tăng giúp các ngân hàng nhận được nguồn vốn rẻ lớn hơn, nhưng hoạt động cho vay chậm lại sẽ ảnh hưởng đến biên lãi ròng (NIM) của họ, tức mức chênh lệch phần trăm giữa thu nhập từ lãi cho vay và chi phí trả lãi cho người gửi tiền. Sau vài năm kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp bao gồm các nhà bán lẻ trực tuyến, nhà sản xuất ô tô và công ty du lịch ở Trung Quốc đang trông chờ vào đà phục hồi tiêu dùng để lấy lại động lực tăng trưởng.
Tiêu dùng sẽ phục hồi chậm do niềm tin bị xói mòn
Kể từ khi Bắc Kinh cho phép người dân tự do đi lại vào cuối năm ngoái, chi tiêu bán lẻ và du lịch đã bắt đầu tăng trở lại. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán gần đây, các hộ gia đình Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, phim ảnh và đồ ăn từ các nhà hàng.
Nhưng với những bất ổn kinh tế tiếp diễn, các giao dịch mua sắm lớn như bất động sản sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi, các nhà kinh tế cho biết. Tỷ lệ tiết kiệm cao hơn và tỷ lệ vay thấp hơn phản ánh sự thiếu tự tin của người tiêu dùng và tình trạng này có thể tiếp tục kìm hãm chi tiêu.
“Niềm tin suy giảm mạnh trong năm qua. Khi mọi người không chắc chắn về tương lai, phản ứng đầu tiên của họ là tiết kiệm tiền”, giáo sư Zhiwu Chen, trưởng khoa tài chính tại Đại học Hồng Kông, nói khi đề cập đến cả người dân và doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Khi chính phủ Trung Quốc chấm dứt chính sách ‘zero Covid’ và công bố một loạt biện pháp được thiết kế để giúp hồi sinh lĩnh vực bất động sản từ tháng 11 đến tháng 12, thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã bật dậy mạnh mẽ. Nhưng Ting Lu, nhà kinh tế của Ngân hàng Nomura, cho rằng sẽ phải đến quí 3, sức tiêu dùng ở Trung Quốc mới phục hồi về gần mức trước đại dịch,
Li-Gang Liu, trưởng bộ phận phân tích kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Citi Global Wealth Investments, nhận định thế hệ người dân Trung Quốc thoát khỏi đại dịch có thể có những điểm tương đồng với thế hệ người Mỹ thoát ra khỏi cuộc Đại khủng hoảng (1929-1939). Ông cho rằng có thể xu hướng tiết kiệm của người dân Trung Quốc tiếp tục trong dài hạn. Điều đó sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc yếu hơn so với dự đoán của nhiều nhà kinh tế.
Hầu hết các nhà kinh tế đều nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 5% trở lên trong năm nay, với một số ngân hàng đầu tư dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng sẽ hơn 5,5%. Nhưng ông Liu cho rằng nếu tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc nửa đầu năm nay thấp hơn kỳ vọng, các nhà kinh tế có thể phải điều chỉnh dự báo của họ.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã bước ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 với rất ít niềm tin. Điều này một phần là do chính phủ Trung Quốc không trợ cấp cho người dân như Mỹ và các chính phủ phương Tây khác đã làm. Có nghĩa là nhiều người mất việc làm và thu nhập không có mạng lưới an sinh xã hội để dựa vào, giáo sư Zhiwu Chen Chen nhận xét. Ông cho rằng trải nghiệm đó có thể đã thúc đẩy người dân Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn để phòng thân.
Một cuộc khảo sát từ PBoC vào cuối năm ngoái cho biết gần một nửa số người được hỏi cho biết họ cảm thấy không chắc chắn về triển vọng công việc của họ, trong khi gần 25% tiết lộ thu nhập của họ đã giảm.
Cuộc khảo sát này, được thực hiện với 20.000 người gửi tiền ở 50 thành phố trên cả nước, cũng hỏi liệu mọi người muốn tiết kiệm, chi tiêu hay đầu tư. Khoảng 62% số người trong cuộc khảo sát cho biết họ chọn tiết kiệm, 23% chọn chi tiêu và chỉ khoảng 1/6 có ý định đầu tư thêm. Trong một cuộc khảo sát tương tự vào năm 2019, khoảng 45,7% người được hỏi cho biết sẽ tiết kiệm nhiều hơn.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tháng trước, Nicolas Aguzin, Giám đốc điều hành của Hong Kong Exchanges and Clearing, công ty sở hữu Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, cho biết số tiền tiết kiệm khổng lồ của người dân Trung Quốc là tiền “đang chờ được chi tiêu”. Ông cho rằng đó là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp khi Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo WSJ