(KTSG) - Bạn bè ngồi cà phê lắc đầu ngao ngán với chuyện dân chúng bị lừa ngày càng nhiều, đến nỗi có người hồ nghi: Có phải người Việt mình dễ bị lừa nhất?
- Người dân cảnh giác trộm cắp, lừa đảo sử dụng công nghệ tăng cao dịp Tết
- Người Việt mất 18.900 tỉ đồng vì lừa đảo trực tuyến trong năm 2024
Lừa có kiểu chọc ghẹo nhau cho vui, còn gọi là “đùa” để cuộc sống thêm vui, nhưng lừa để trục lợi thì gọi là “lừa đảo”, đâu đó cũng là xuất phát từ thuộc tính tham lam nổi bật của con người - mà cụ thể ở đây là của kẻ đi lừa đảo và người bị lừa đảo.
Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỉ đồng, chưa kể các loại hình lừa đảo khác. Vào mạng Internet ngày nào cũng thấy nhan nhản tin cảnh báo lừa đảo và bài viết về các vụ lừa đảo mà nạn nhân đủ thành phần trong xã hội, đủ lứa tuổi, từng người, nhóm người đến hàng hà sa số.
Từ chơi hụi, mua hàng đa cấp, mua bán tiền ảo, sở hữu kỳ nghỉ, giả mạo ngân hàng, giả danh cán bộ, giả trang web các resort và khách sạn cao cấp, mời đi du lịch miễn phí, định cư nước ngoài, chạy việc, chạy chức đến hợp tác làm ăn, đầu tư bất động sản... Thứ nào cũng tinh vi, đa dạng từ cách tiếp cận, tiếp thị, dẫn dụ bài bản, chuyên nghiệp.
Theo thông tin trên báo chí, phần lớn các vụ bị phanh phui thì kẻ gian dùng thủ đoạn lừa đảo vừa đơn giản, vừa hấp dẫn và người bị lừa rơi vào những người ít hiểu biết. Họ mù quáng lôi kéo cả người thân tham gia, thậm chí gia nhập hệ thống lừa đảo. Tuy nhiên, cũng có tình huống người bị lừa có tài sản, có trình độ nhưng vẫn bị mất đến… tiền tỉ.
Cũng phải thừa nhận rằng trong thời đại công nghệ, đội quân lừa đảo không ngừng được hỗ trợ bằng nhiều trang thiết bị hiện đại, ứng dụng và biến hình theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, trong khi các hệ thống dịch vụ có đăng ký lại tụt hậu về mặt công nghệ, nhiều lỗ hổng, thiếu độ an toàn và không hỗ trợ người tiêu dùng một cách kịp thời. Bản thân người dùng vốn là những tay mơ trong rừng công nghệ mới lại có dư thừa lòng tham nên… tình trạng lừa đảo được dịp tràn lan. Trong cuộc chạy đua lừa đảo đó, kẻ lừa đảo luôn bám sát vào tiêu chí “đánh vào tính hám lợi của người dùng” - những người thích bẻ đọt non mà không chịu vun gốc; muốn có trái ngọt mà không chịu chọn giống, ươm mầm, chăm sóc cây.
Dễ nhận thấy nhất là ở các mô hình kinh doanh, đầu tư có dấu hiệu lừa đảo thường có chung công thức, nhắm đến “siêu lợi nhuận”, hết sức kiên trì tạo “hiệu ứng fomo” (hội chứng tâm lý sợ hãi mình bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống) của bầy cừu. Nhiều khi các mô hình sinh lời này rất đơn giản, người bình thường nhìn sơ cũng biết tào lao, nhưng bằng sự tổ chức chuyên nghiệp, hội họp, rỉ tai, liên tục và liên tục, chọn cừu thí dẫn dụ cả bầy vào chuồng để tất cả bị sén trụi lông.
Khi nguồn vốn thu gom đạt đỉnh, nhóm cá mập buông neo, phá thuyền chìm. Nhiều người đuối nước. Số lóp ngóp lên bờ, đòi quyền lợi thì hỡi ôi, không có gì ràng buộc pháp lý. Có người quẫn trí tự kết liễu mạng sống, trốn cả nợ người lẫn nợ đời, bỏ mặc người thân ngụp lặn, chống chèo vượt bão. Họ đáng thương và cả đáng trách. Trên đời này, không có gì dễ dàng, nhất là việc kiếm tiền chính đáng.
Kinh doanh hay đầu tư cũng như kiếm bạn, chọn vợ chồng, phải tìm hiểu cặn kẽ. Đừng bị ảo ảnh bởi các tấm hình photoshop và những lời tự giới thiệu có cánh, hay sự tâng bốc có sắp đặt. Quan trọng nhất, phải thượng tôn pháp luật với những hợp đồng pháp lý cụ thể. Chữ Tín không thay được pháp luật.