(KTSG Online) - Trước một số thắc mắc về việc xác thực sinh trắc học thông tin cá nhân trong trường hợp người Việt lao động ở nước ngoài không thể về nước, Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ tài khoản có thể dùng ứng dụng ngân hàng hoặc VNeID để xác thực sinh trắc học mà không phải đến quầy giao dịch.
- Có hiện tượng lách xác thực sinh trắc học để mở tài khoản ngân hàng
- Xác thực sinh trắc học không phải đũa thần!
Theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ đầu năm 2025, chủ tài khoản thanh toán hoặc chủ thẻ ngân hàng sẽ không thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền online hay giao dịch tại ATM nếu chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân, baochinhphu.vn đưa tin.
Đại diện Vụ thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết đối với người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài và không thể về nước để thực hiện xác thực sinh trắc học trực tiếp, các ngân hàng đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ từ xa.
Thứ nhất là xác thực qua ứng dụng ngân hàng. Nhiều ngân hàng cho phép khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học thông qua ứng dụng di động của họ. Quá trình này thường bao gồm việc chụp ảnh giấy tờ tùy thân và khuôn mặt để đối chiếu.
Thứ hai là sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID). Khách hàng đã có tài khoản định danh điện tử mức độ hai, có thể sử dụng ứng dụng VNeID để xác thực sinh trắc học. Một số ngân hàng hỗ trợ tích hợp với VNeID để thực hiện xác thực từ xa.
Thứ ba là liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ đặc biệt. Trong trường hợp không thể sử dụng các phương thức trên, khách hàng nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng qua các kênh hỗ trợ khách hàng để được hướng dẫn các giải pháp thay thế phù hợp với tình huống gặp phải.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng số dữ liệu sinh trắc học được thu thập sau ba tháng đạt khoảng 38 triệu tài khoản. Qua số liệu của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8 vừa qua giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng năm 2024. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Một số đơn vị không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.