(KTSG Online) - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao nhất trong gần 3 tháng qua. Nguyên nhân chính là do nguồn cung bị hạn chế, khiến giá tăng lên 578 đô la Mỹ/tấn cho loại gạo 5% tấm vào ngày 22-8, cao hơn 8 đô la Mỹ so với tuần trước.
- Bức tranh kinh tế mới được biến đổi khí hậu vẽ ra ở lưu vực sông Mêkông
- ‘Ách tắc’ khám chẩn đoán ung thư, TPHCM cần thêm lò sản xuất thuốc phóng xạ
Theo một nhà giao dịch tại TPHCM, việc kết thúc vụ thu hoạch Hè Thu và điều kiện thời tiết bất lợi đã dẫn đến tình trạng nguồn cung gạo bị thắt chặt. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ giảm do giá gạo tăng cao đã tạo ra sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường, TTXVN đưa tin.
Xu hướng tăng giá gạo xuất khẩu đang diễn ra trên diện rộng tại các nước sản xuất gạo lớn ở châu Á. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã tăng thêm 5-9 đô la Mỹ/tấn so với tuần trước.
Trước tình hình nguồn cung từ vụ trước gần như cạn kiệt và nhu cầu thị trường giảm, các nhà xuất khẩu nước này đang dự định điều chỉnh giá để chuẩn bị cho vụ mới, dự kiến sẽ nâng mức giá hỗ trợ, đảm bảo lợi nhuận.
Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ lên 570 USD/tấn so với tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng biến động giá chủ yếu do ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ổn định.
Với thị trường trong nước, nhiều địa phương cho biết giá gạo tại địa bàn cũng tăng trong những tuần qua.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, nhiều loại lúa tăng nhẹ 100 - 200 đồng/kg so với tuần trước, cụ thể, gạo Đài thơm 8 có giá từ 8.400 - 8.600 đồng/kg, OM 5451 từ 8.200 - 8.400 đồng/kg.
Giá lúa tươi đầu vụ Hè Thu tại tỉnh Trà Vinh cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, dao động 500-900 đồng/kg. Việc nông dân lựa chọn giống lúa chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đã nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại lợi nhuận cao.
Trái lại, tại Sóc Trăng, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân ở các huyện trũng thấp đã tự ý gieo sạ lúa Thu Đông sớm. Với mức giá tăng 1.000 - 1.200 đồng/kg so với năm trước, nhiều nông dân vẫn chọn gieo trồng, chấp nhận nguy cơ ngập úng.