Thứ Năm, 3/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nguồn cung hàng hóa Tết ổn định tại các thành phố lớn

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại TPHCM, mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25-43% trên thị trường, đồng thời, những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cam kết giữ ổn định giá bán. Ở Hà Nội, việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết của các doanh nghiệp tăng từ 7-25% so với cùng kỳ. Tết 2024, nhu cầu mua sắm của người dân tăng khoảng 20-30% so với ngày thường.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: TL

TTXVN đưa tin, ở khu vực Hà Nội, báo cáo của các siêu thị cho thấy, việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 của các doanh nghiệp tăng trung bình từ 7-25% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm. Các doanh nghiệp cũng đang thúc đẩy việc bán hàng qua kênh trực tuyến, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng, sẵn sàng cung ứng sản phẩm khi có tình huống xảy ra.

Đơn cử như ở siêu thị Co.opmart Hà Nội, TTXVN dẫn thông tin từ đại diện đơn vị cho biết, công tác chuẩn bị hàng Tết được siêu thị triển khai cách đây 6 tháng. Trong đó, 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.

Cũng theo bản tin trên, Bộ Công Thương thông tin, số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường là 32 đơn vị, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết 2023. Tết 2024, nhu cầu mua sắm của người dân tăng khoảng 20-30% so với ngày thường.

Ở TPHCM, TTXVN đưa tin, số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là 45 doanh nghiệp. Tổng giá trị hàng hóa hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó hơn 8.500 tỉ đồng dành cho chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Mặt hàng này cũng chiếm thị phần từ 25-43% trên thị trường. Về giá cả, những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cam kết giữ ổn định giá; đồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi trong hai ngày cận Tết đối với những mặt hàng thiết yếu.

Ngoài ra, theo trang web tphcm.chinhphu.vn, tại 3 chợ đầu mối gồm chợ Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức, tổng lượng nông sản cung ứng ra thị trường những ngày giáp Tết tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày.

Hiện TPHCM có 48 trung tâm thương mại, hơn 260 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các đơn vị cũng tăng lượng hàng gấp 2-3 lần so với ngày thường, đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân. Nhiều hệ thống bán lẻ cũng lên phương án kéo giãn thời gian hoạt động. Cụ thể ngày 28 và 29 tháng Chạp, tức ngày 7 và 8-2, hệ thống sẽ mở cửa từ 6-24 giờ; ngày 30 tháng Chạp sẽ mở cửa từ 6-12 giờ. Một số siêu thị khai trương năm mới từ 8 giờ mùng 2 Tết. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán, các đơn vị sẽ mở cửa từ 8-12 giờ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới