(KTSG Online) - Nguồn cung tiền của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) lần đầu tiên giảm kể từ năm 2010 khi các khoản cho vay và tiền gửi của khu vực tư nhân sụt giảm trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt đến mức các nhà kinh tế cảnh báo sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái tiếp theo.
- Dữ liệu kinh tế châu Âu ngày càng u ám, báo hiệu rủi ro suy thoái
- Nguy cơ Đức trở thành ‘người bệnh của châu Âu’
Nguồn cung tiền là một trong những số liệu chính được Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) theo dõi chặt chẽ để đánh giá tác động của động thái thắt chặt chính sách tiền tệ gần đây. Khi hoạt động cho vay cạn kiệt và tiền gửi ngắn hạn giảm, hoạt động kinh tế của eurozone dự kiến sẽ chậm lại và áp lực lạm phát sẽ hạ nhiệt.
Dữ liệu mới nhất sẽ được tranh luận tại hội đồng điều hành của ECB về việc liệu cơ quan này có nên tạm dừng tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 7-2022 trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 14-9 hay không.
Các thành viên ôn hòa hơn trong hội đồng này cho rằng lạm phát đã giảm và lãi suất tăng cao hơn có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái đau đớn không cần thiết. Nhưng các thành viên “diều hâu” lo ngại mức lạm phát 5,3% trong tháng 7 vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% của ECB. Các nhà kinh tế nhận định, quyết định cuối cùng của ECB có thể phụ thuộc vào mức độ lạm phát giảm trong tháng 8 khi dữ liệu được công bố vào ngày 31-8.
Thước đo của ECB về lượng tiền tổng thể trong hệ thống eurozone, hay còn gọi là số liệu M3, gồm tiền gửi, tiền cho vay, tiền mặt trong lưu thông và các công cụ tài chính khác, giảm 0,4% trong năm tính đến tháng 7, giảm so với mức tăng trưởng 0,6% trong tháng 6.
Theo các nhà kinh tế, dữ liệu trên cho thấy, mức tăng lãi suất tiền gửi chưa từng có tiền lệ của ECB từ âm 0,5% lên 3,75% trong năm qua, cũng như việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của ECB, đang gây ra tác động như dự kiến. Vì vậy, ECB có thể tạm dừng tăng lãi suất trong tháng tới.
“Về mặt tài sản trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, mọi thứ có vẻ tồi tệ khi tăng trưởng tín dụng đối với các doanh nghiệp và đặc biệt là đối với các hộ gia đình đang sụp đổ”, Frederik Ducrozet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Pictet Wealth Management, cho biết. Ông nói rằng đây là “một đặc điểm, chứ không phải lỗi của chính sách tiền tệ”, và điều đó có nghĩa là ECB có thể nên “sớm ngừng tăng lãi suất”.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung tiền của eurozone lần đầu tiên trong 13 năm là do mức tăng trưởng cho vay hàng năm đối với khu vực tư nhân giảm xuống 1,6% trong tháng 7, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2016. Cho vay đối với các chính phủ trong khu vực cũng giảm 2,7%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2007.
Bert Colijn, nhà kinh tế tại ngân hàng ING của Hà Lan, nói: “Tăng trưởng cho vay hàng năm của các ngân hàng trong khu vực tiếp tục có xu hướng giảm nhanh chóng. Điều này là do sự sụt giảm mạnh trong hoạt động vay của khu vực kinh doanh và xu hướng giảm ổn định trong hoạt động vay của hộ gia đình, chủ yếu là vay thế chấp”.
Các doanh nghiệp và hộ gia đình chuyển tiền ra khỏi tài khoản tiền gửi qua đêm với tốc độ kỷ lục, dẫn đến mức giảm 10,5% trong năm tính đến tháng 7. Điều này phần lớn phản ánh sự chuyển dịch sang các tài khoản tiền gửi có kỳ hạn cố định có lãi suất cao hơn, tăng 85% trong cùng kỳ.
Tổng tiền gửi, bao gồm cả tiền gửi của các cơ quan chính phủ và tổ chức tài chính cũng như các hộ gia đình và công ty ở eurozone, giảm ở mức kỷ lục 1,6% trong năm tính đến tháng 7.
“Với các hoạt động kinh tế hiện đang ở trạng thái trì trệ, chính sách tiền tệ sẽ càng tạo ra môi trường kinh tế yếu kém trong những quí tới”, Colijn cảnh báo.
Nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng 0,3% trong quí 2 so với quí trước. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát kinh doanh ảm đạm cho thấy khả năng eurozone sẽ chứng kiến tăng trưởng suy giảm trong quí 3.
Theo Financial Times