Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nguồn vốn mạo hiểm ở Mỹ cạn kiệt, gây khó cho các startup

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động huy động vốn của các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ chạm mức thấp nhất trong sáu năm. Đó là dấu hiệu đáng lo ngại đối với các công ty khởi nghiệp (startup) với nguồn dự trữ tiền mặt ngày càng cạn kiệt và các doanh nghiệp non trẻ khác phụ thuộc vào nguồn tài chính đó để tồn tại.

Thị trường vốn mạo hiểm phần lớn trong trạng thái nằm chờ cơn suy thoái công nghệ qua đi và các điều kiện vĩ mô cải thiện. Ảnh: Upspash

Theo phân tích của PitchBook và Hiệp hội vốn mạo hiểm quốc gia Mỹ (NVCA), số tiền 67 tỉ đô la Mỹ  mà các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ huy động được vào năm 2023 là tổng số tiền hàng năm thấp nhất kể từ năm 2017. Con số này giảm 60% so 173 tỉ đô la huy động được vào năm 2022. Vào năm ngoái, tính toàn cầu, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng huy động lượng vốn thấp nhất kể từ năm 2015.

Dòng chảy vốn mạo hiểm cạn kiệt, gây áp lực gia tăng lên các startup, vốn trải qua “cơn hạn hán” tiền mặt trong 18 tháng qua. Các nhà đầu tư mạo hiểm không muốn rót thêm tiền vào các startup dẫn dẫn đầu thị trường trong bối cảnh mức định giá của doanh nghiệp công nghệ chưa niêm yết đang giảm.

“Có vẻ như điểm đáy của dòng vốn mạo hiểm vẫn còn rất xa. Rất nhiều startup sẽ vẫn gặp khó khăn. Chúng ta sẽ chứng kiến ​​nhiều vòng gọi vốn thất bại hơn, và các nhà đầu tư hiện tại sẽ rất khó thoái vốn. Các startup sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để tiếp cận nguồn vốn sẵn có hiện nay”, Kyle Stanford, nhà phân tích vốn mạo hiểm của PitchBook, bình luận.

Các nhà đầu tư mạo hiểm đã phải vật lộn huy động vốn mới khi các đối tác hữu hạn của họ, gồm những nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ hiến tặng ở các trường đại học, rút lui khi lãi suất tăng, khiến các quyết định đặt cược vào lĩnh vực công nghệ trở nên tốn kém hơn.

Một số công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng như Insight Partners và Tiger Global hạ mục tiêu gọi vốn để phản ánh môi trường khắc nghiệt hơn. Vì vậy, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ có ít vốn mới để triển khai. Năm ngoái, họ đầu tư tổng cộng 171 tỉ đô la Mỹ,  theo PitchBook và NVCA. Con số đó chưa bằng một nửa số tiền họ đã chi vào năm 2021.

Bên cạnh xu hướng giảm đầu tư từ các đối tác hữu hạn, các quỹ mạo hiểm của Mỹ còn đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh về cơ hội thoái vốn, thông qua việc các startup tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc bán lại công ty. Thực tế này đang cản trở khả năng hoàn vốn của họ cho các nhà tài trợ vốn.

Theo PitchBook và NVCA, hoạt động thoái vốn từ các startup ở Mỹ năm chỉ đạt 61,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023, so với mức cao nhất thiết lập vào năm 2021 là 797 tỉ đô la. Tại châu Âu, năm ngoái, giá trị thoái vốn từ các startup chỉ đạt dưới 12 tỉ euro, mức thấp nhất trong một thập niên.

Theo Peter Hébert, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Lux Capital của Mỹ, cơn suy thoái nguồn vốn đang gây áp lực lên các startup đã ‘đốt’ sạch tiềnhuy động được vào năm 2021 và đầu năm 2022. Khi những công ty này cùng đường, những người sáng lập và nhà đầu tư hiện tại có nhiều khả năng chấp nhận các điều khoản khắc nghiệt hơn để được cấp vốn mới.

“Những ngày của hy vọng đã qua rồi, và các startup đang chấp nhận thực tế mới. Đối với các vòng tài trợ sắp tới, bạn bắt đầu chứng kiến các mức định giá thấp hơn”, ông nói.

Hébert dự đoán, đây cũng sẽ là năm mà các quỹ đầu tư mạo hiểm từ bỏ những startup hoạt động kém. “Sau hai năm nỗ lực cung cấp nguồn vốn ngắn hạn cho các startup, các quỹ đầu tư mạo hiểm bây giờ sẽ nói: Xin lỗi, chúng tôi đã cố hết sức có thể”, ông nói

Cuối năm 2023, một số startup được định giá từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên, hay còn là kỳ lân, bắt đầu sụp đổ. Trong số đó có Convoy, một nền tảng trực tuyến giúp kết nối chủ hàng và các công ty vận tải, và công ty chăm sóc sức khỏe Olive. Cả hai đều được định giá khoảng 4 tỉ đô la USD vào thời kỳ đỉnh cao. Công ty xe điện Bird, từng được định giá 2,5 tỉ đô la, cũng đã nộp phá sản vào tháng 12.

Theo PitchBook, trong số các startup huy động tiền mặt vào năm ngoái, có khoảng 17% chấp nhận giảm giá trị định giá của họ. Động thái đó thường là giải pháp không mong muốn của những người sáng lập và nhà đầu tư ưu tiên tăng trưởng. Nhưng Kyle Stanford, nhà phân tích của PitchBook, dự báo tỷ lệ đó sẽ tăng đáng kể vào năm 2024 khi những nhà sáng lập không còn lựa chọn nào khác.

Hébert cho biết, khi định giá giảm xuống mức mà các nhà đầu tư mới có thể chấp nhận được, khối lượng giao dịch có thể sẽ tăng lên. “Những người có vốn là vua trên thị trường này”, ông quả quyết.

Nhờ những năm huy động vốn bội thu vào năm 2021 và 2022, một số công ty mạo hiểm đã tích lũy được số vốn lớn mà họ không muốn đầu tư vào một thị trường đang suy thoái. Tương tự, một số startup giàu tiền mặt đã chọn cách chờ đợi sự chắc chắn hơn trước khi thực hiện bước đi tiếp theo. Nick Schneider, CEO của Arctic Wolf, công ty an ninh mạng có mức định giá 4,3 tỉ đô, cho biết, ông sẽ điều kiện thị trường  trở nên rõ ràng trước khi tiến hành đợt IPO được mong đợi từ lâu.

Theo Financial Times

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới