Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nguồn vốn ồ ạt đổ vào các quỹ đầu tư hạ tầng trên toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các quỹ đầu tư hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng năng lượng và số hóa, đang đón nhận nguồn vốn đổ vào với tốc độ kỷ lục để đầu tư vào các nhà máy điện, các tháp viễn thông, trung tâm dữ liệu, những mảng kinh doanh có thể tăng trưởng tốt bất chấp lạm phát đang tăng nóng.

Theo dữ liệu của Preqin, các quỹ đầu tư hạ tầng trên toàn cầu đã huy động được khoảng 130 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, vượt xa kỷ lục 125 tỉ đô la được thiết lập vào năm ngoái. Đóng góp vào con số đó là khoản vốn 17 tỉ đô la rót vào một quỹ hạ tầng của Công ty đầu tư KKR (Mỹ) huy động, 15 tỉ đô la từ Brookfield Asset Management (Canada) và quỹ 14 tỉ đô la của Stonepeak Partners (Mỹ).

Trung tâm dữ liệu là một trong những mục tiêu mà các quỹ đầu tư hạ tầng ưu tiên nhắm đến. Ảnh: WSJ

Các nhà đầu tư gồm các quỹ hưu trí của các tiểu bang từ Alaska và New York, cũng như các tổ chức khác như Công ty Bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc (CLIO). Trong khi đó, Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân EQT của Thụy Điển đặt mục tiêu huy động 5,2 tỉ đô la vào một quỹ đầu tư hạ tầng mới của công ty này.

Những khoản tiền như vậy có thể mất hàng tháng để huy động, có nghĩa là phần lớn số tiền phá kỷ lục của năm nay không liên quan trực tiếp đến đà tăng lạm phát gần đây. Nhưng bối cảnh giá cả tăng cao có khả năng làm tăng nhu cầu đầu tư hạ tầng.

Gordon Bajnai, người đứng đầu bộ phận đầu tư hạ tầng toàn cầu tại Công ty Campbell Lutyens & Co, nhận định nếu xu hướng hiện tại vẫn duy trì, dòng tiền phân bổ cho các quỹ đầu tư hạ tầng sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phòng thủ chống lạm phát và biến động quá lớn ở các thị trường chứng khoán đại chúng và vốn cổ phần tư nhân.

Ông Bajnai cho biết, tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và số hóa ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành hạ tầng.

Các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm từ lâu đã bị thu hút bởi các tài sản như điện nước, đường sá có thu phí và bến cảng vì dòng thu nhập có thể dự đoán của các tài sản này phù hợp với các khoản nợ dài hạn của nhà đầu tư. Mặc dù các lĩnh vực hạ tầng thường mang lại lợi nhuận thấp hơn so với công nghệ và những lĩnh vực tăng trưởng khác, nhưng chúng được thiết kế thuận lợi cho việc chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng.

Đó là một lợi thế lớn trong môi trường lạm phát cao hiện tại. Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh nhất trong 4 thập niên vào tháng 6, ở mức 9,1% và tiếp tục tăng 8,5% trong tháng 7. Trong khi đó, giá cả cũng đang tăng nhanh chóng ở các nền kinh tế khác, chẳng hạn như Anh và lục địa châu Âu.

Hồi tháng 5, KKR đã đạt được một thỏa thuận trị giá 2,1 tỷ đô la để mua lại Công ty sản xuất điện ContourGlobal của Anh. ContourGlobal cho biết nguồn doanh thu từ 90% hợp đồng bán điện của công ty này được điều chỉnh theo lạm phát, tức có kèm theo điều khoản cho phép điều chỉnh giá bán điện để bù đắp chi phí tăng do lạm phát.

Chỉ số hạ tầng thế giới MSCI AC, theo dõi biến động giá cổ phiếu của các công ty đại chúng trong lĩnh vực tiện ích, viễn thông, chăm sóc sức khỏe và những lĩnh vực hạ tầng khác, đã tăng điểm tốt hơn so với thị trường chung. Nếu tính cả cả cổ tức, chỉ số này tạo ra lợi nhuận 2% trong năm nay, tính cho đến hôm 15-8, theo FactSet. Trong cùng kỳ, chỉ số chứng khoán thế giới, MSCI All Country World Index (ACWI), giảm 11%.

Theo dữ liệu của Preqin, các quỹ đầu tư hạ tầng trên toàn cầu đã huy động được khoảng 130 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, vượt xa kỷ lục 125 tỉ đô la được thiết lập vào năm ngoái. Ảnh: WSJ

Trọng tâm đầu tư của nhiều quỹ hạ tầng là các tài sản của nền kinh tế kỹ thuật số, có triển vọng tăng trưởng khả quan khi nhu cầu tăng lên đối với các công nghệ như mạng dữ liệu siêu nhanh và điện toán đám mây. Một trọng tâm đầu tư khác của các quỹ này là giảm lượng khí thải carbon và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính các khoản đầu tư hàng năm vào hạ tầng và công nghệ năng lượng cần phải tăng từ hơn 1 nghìn tỉ đô la lên hơn 4 nghìn tỉ đô la vào năm 2030 để đạt được mục tiêu đưa phát thải carbon toàn cầu về mức zero ròng vào năm 2050.

Tuần trước, Công ty đầu tư Actis (Anh) đã bán Công ty phát triển điện gió và điện mặt trời Sprng Energy phát triển điện gió và điện mặt trời Sprng Energy (Ấn Độ) với giá gần 1,6 tỉ đô la cho Tập đoàn dầu khi Shell, giúp thu về tổng lợi nhuận hơn 20% cho các nhà đầu tư.

Một rủi ro đối với các quỹ đầu tư hạ tầng là họ có thể trả giá cao quá mức để thâu tóm các tài sản hạ tầng đang có nhu cầu lớn. Các rủi ro khác là một số doanh nghiệp hạ tầng kém tin cậy hơn so với dự kiến khi đối mặt với suy thoái kinh tế hoặc môi trường quản lý thay đổi.

Brookfield Infrastructure Partners, đơn vị đầu tư hạ tầng của Brookfield Asset Management, tập trung vào các giao dịch lớn có ít đối thủ cạnh tranh hơn để hạn chế rủi ro định giá cao quá mức.

Tháng trước, Brookfield Infrastructure Partners đã hợp tác với DigitalBridge Group, có trụ sở tại bang Florida (Mỹ) mua lại 51% cổ phần của Công ty điều hành tháp viễn thông GD Towers từ hãng viễn thông Deutsche Telekom (Đức) với giá 6,6 tỉ đô la. GD Towers đang quản lý hơn 40.000 tháp viễn thông ở Đức và Áo. Sikander Rashid, người đứng đầu nhóm cơ sở hạ tầng châu Âu của Brookfield Asset Management, cho biết các bên mua sẽ tiếp nhận các hợp đồng cho thuê tháp viễn thông có mức phí điều chỉnh theo lạm phát trong 30 năm.

Các tháp viễn thông di động tạo ra các khoản doanh thu định kỳ bằng cách cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đài truyền hình và những người dùng khác thuê không gian. Rashid dự báo nhu cầu thuê tháp viễn thông sẽ tăng lên khi các nhà mạng di động chạy đua phủ sóng 5G.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới