(KTSG Online) - Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang chật vật tìm cách trở lại lộ trình tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo tình trạng yếu kém của Đức có thể kéo dài dai dẳng, khiến nước này có nguy cơ trở thành ‘người bệnh của châu Âu’ (Sick Man of Europe).
Theo dữ liệu chính thức công bố trong tuần này, GDP quí 2 của Đức đứng im so với quí 1. Dữ liệu từ các cuộc khảo sát về hoạt động kinh tế của Đức trong tháng 7 cũng suy yếu. Tất cả những điều này báo hiệu Đức, từ lâu được xem là cỗ máy tăng trưởng của châu Âu, đối mặt triển vọng u ám.
Kết quả tăng trưởng của quí 2 chỉ vừa đủ để giúp Đức thoát ra khỏi suy thoái sau khi trải qua hai quí tăng trưởng âm liên tiếp, cho thấy ngành công nghiệp Đức bất ổn sâu đến mức nào. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Đức sẽ suy giảm 0,3% trong năm nay. Đức là nền kinh tế duy nhất trong nhóm cường quốc G7 được IMF dự báo suy giảm GDP trong năm 2023.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Đức có thể quay trở lại vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu?
“Cho dù nền kinh tế Đức tăng trưởng chậm lại hay suy giảm nhẹ, tôi nghĩ đó là vấn đề đều như nhau. Tôi nghĩ Đức đang cạnh tranh danh hiệu ‘người bệnh của châu Âu”, Thomas Mayer, người sáng lập Viện nghiên cứu Flossbach von Storch và là nhà quan sát kinh tế lâu năm của đất nước, nói.
Danh hiệu đó thường được gán cho nước Đức trong những năm sau khi thống nhất vào năm 1990 và đeo đẳng nước Đức cho đến tận đầu thế kỷ vừa qua. Đó là thời kỳ đáng chú ý khi tốc độ tăng trưởng hàng năm của Ý vượt xa nước Đức giàu có hơn trong hơn nửa thập niên.
Lần này, cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài của Đức, bắt nguồn từ cuộc chiến ở Ukraine, đã làm tê liệt các nhà sản xuất công nghiệp của Đức trong một nền kinh tế đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động và năng suất kém. Trong khi đó, sự cạnh tranh xe điện trên toàn cầu ngày càng gay gắt, đe dọa ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh của nước Đức.
Cùng với nhu cầu suy yếu Trung Quốc và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, những thách thức dài hạn trên càng gây sức ép hơn nữa lên ngành công nghiệp Đức. Một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm khác của Ngân hàng trung ương châu Âu trong tuần qua càng gia tăng sức ép đó.
Dù mức suy giảm GDP 0,3% của Đức trong năm nay, theo dự đoán của cả IMF lẫn Ngân hàng trung ương Đức, không phải là lớn, nhưng điều này gây chú ý. Lần gần đây nhất kinh tế Đức suy giảm, trong khi Ý tăng trưởng là vào năm 2003.
“Chúng tôi dự báo kinh tế Đức sẽ rơi vào cơn suy thoái mới trong nửa cuối năm nay”, Joerg Kraemer, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Commerzbank, nói.
Clemens Fuest, Chủ tịch của Viện nghiên cứu Ifo, có trụ sở tại Munich, thậm chí cho rằng suy thoái kinh tế của Đức vẫn đang diễn ra, dẫn đến sự suy giảm sản xuất mạnh hơn trong cuộc khảo sát kinh doanh hàng tháng mà Ifo công bố hồi đầu tuần này.
Hôm 24-7, S&P Global công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng của Đức cho thấy sự yếu kém của ngành công nghiệp đủ rõ ràng để lấn át xu hướng tiếp tục mở rộng của ngành dịch vụ. Là nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, điều đó có nghĩa là Đức đang kéo phần còn lại của khu vực đi xuống.
Không phải tất cả dữ liệu đều ảm đạm. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức trong tháng 6 chỉ ở mức 5,7%, vẫn nằm trong phạm vi một điểm phần trăm so với mức thấp nhất lịch sử. Tỷ lệ thất nghiệp của Đức dự kiến không đổi nhiều trong những tháng tới trong bối cảnh thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, giúp duy trì sức mua sắm giữa lúc lạm phát cao.
Trong tuần qua Arne Freundt, CEO của hãng thời trang thể thao Puma, cho biết nhu cầu giày và quần áo thể thao ở Đức vẫn ổn định.
Giám đốc tài chính của Volkswagen AG, Arno Antlitz, cũng bày tỏ sự lạc quan tương tự.
“Có tình trạng không chắc chắn nhất định ở nhu cầu của khách hàng do lạm phát, nhưng cá nhân tôi không mong đợi một cơn suy thoái khác của Đức xảy ra các quí tới”, Antlitz nói.
Đức đang cố gắng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, bài toán nan giải của Đức về cách sản xuất năng lượng giá cả phải chăng và sự phản đối chínhh trị đối với năng lượng hạt nhân vẫn là một thách thức nổi bật.
Một vấn đề khác là nền kinh tế Đức vẫn tập trung vào việc sản xuất những chiếc xe hơi ngốn xăng, trong khi các đối thủ tăng cường sản xuất xe điện. Số lượng đơn hàng đang suy giảm ở Trung Quốc là nguyên nhân khiến hãng xe Volkswagen cắt giảm triển vọng doanh số năm 2023 vào hôm 27-7.
David Folkerts-Landau, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Deutsche Bank AG, cảnh báo đó có thể là tín hiệu khởi đầu của những khó khăn lớn hơn trong tương lai.
“Với ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, Đức đang tụt hậu rất nhiều so với Mỹ do khoảng cách công nghệ ngày càng nới rộng”, ông nói đồng thời lưu ý thêm, các kế hoạch trợ cấp của chính phủ Mỹ cho ngành sản xuất sẽ càng làm trầm trọng sự tụt hậu đó.
Giải pháp chính của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các cố vấn của ông vào lúc này là trợ cấp cho các công ty trong nước và nước ngoài sẵn sàng mở nhà máy tại Đức.
Tuần trước, các nguồn thạo tin cho biết, chính phủ Đức có hoạch triển khai chương trình trợ cấp 20 tỉ euro để thúc đẩy sản xuất bán dẫn ở Đức, qua đó sẽ giúp thúc đẩy lĩnh vực công nghệ của đất nước. Số tiền này sẽ sẽ được trích từ Quỹ Khí hậu và chuyển đổi kinh tế của chính quyền liên bang.
Giải pháp này tập trung thu hút các khoản đầu tư khổng lồ của các tập đoàn. Tuy nhiên, xương sống lâu đời của sự thịnh vượng của Đức là Mittelstand, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường do gia đình sở hữu qua nhiều thế hệ. Họ sản xuất những sản phẩm chuyên biệt, chất lượng cao, vốn từ lâu là nền tảng cho sức mạnh xuất khẩu của nước này.
Joerg Kraemer, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Commerzbank, cho rằng, đó là nơi để tìm kiếm các dấu hiệu giúp xác định số phận của Đức với tư cách là một nền kinh tế lớn sẽ được ra sao trong tương lai.
Ông nói: “Ở Đức, có nhiều công ty tốt, cỡ trung bình có nguồn vốn dồi dào, có bảng cân đối kế toán vững chắc và nhân viên của họ làm việc chăm chỉ. Họ là niềm hy vọng của nền kinh tế Đức”.
Theo Bloomberg