Nguy cơ hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam để né thuế Mỹ
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Nhiều công ty sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc đang thăm dò khả năng chuyển hàng sang Việt Nam để gắn mác mới, rồi xuất khẩu sang Mỹ với mục đích né đòn thuế của Mỹ.
Trung Quốc ra nước ngoài sản xuất thép để lách thuế chống bán phá
Áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép Trung Quốc và Hàn Quốc
Trung Quốc cơ cấu lại các nhà máy thép và nhôm
Cần cẩu giàn bốc dỡ container ở cảng Hải Phòng. Ảnh: Reuters |
Tờ South China Morning Post ngày 25-12 cho biết ý tưởng chuyển hàng hóa Trung Quốc sang một nước thứ ba rồi mới xuất khẩu sang Mỹ để né thuế bùng lên trong những tháng gần đây do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhiều công ty sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc đang thăm dò xem liệu Việt Nam có thích hợp để trở thành một nước thứ ba như vậy không?
Để làm được điều này, họ cần phải kiểm tra xem liệu họ có thể “lột” nhãn mác Trung Quốc và gắn nhãn mác Việt Nam trên các sản phẩm sau khi chuyển chúng sang Việt Nam.
“Rất nhiều khách hàng đang hỏi rằng liệu họ có thể trung chuyển hàng hóa thông qua Việt Nam, chẳng hạn đưa giày dép sang Việt Nam rồi xuất khẩu chúng qua Mỹ. Câu hỏi phổ biến tiếp sau đó là: Liệu chúng tôi có thể phân loại lại các sản phẩm và liệu chính phủ Mỹ có chú ý đến điều này hay không. Câu trả lời của chúng tôi là có. Khi chiến tranh thương mại tiếp diễn, cơ hội bạn bị phát hiện gian dối rất cao”, Maxfield Brown, đối tác cao cấp ở văn phòng đại diện của Công ty dịch vụ và tư vấn kinh doanh quốc tế Dezan Shira & Associates tại TPHCM, nói.
Các công ty đa quốc gia, trong đó nhiều công ty đặt trụ sở tại các khu vực phát triển ở châu Á, đã chú ý đến Việt Nam với mức độ đặc biệt kể từ tháng 9-2018 khi Mỹ áp thuế 10% lên 200 tỉ đô la hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Trước khi chiến tranh thương mại xảy ra, Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ nhân công rẻ, các chính sách ủng hộ kinh doanh của chính phủ và có vị trí địa lý nằm cạnh Trung Quốc. Giờ đây, đối với họ, Việt Nam là điểm đến tiềm năng để né thuế Mỹ.
Giới phân tích kinh doanh cho biết chính phủ Mỹ đang giám sát chặt chẽ nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam để xem có mặt hàng nào có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không.
“Ý tưởng cho rằng Mỹ có thể bị qua mặt về hành vi né thuế là khá ngây thơ. Và nếu cho phép điều này xảy ra, có khả năng Việt Nam sẽ gặp rắc rối”, Kevin Snowball, Giám đốc điều hành Công ty quản lý tài sản PXP Vietnam Asset Management ở TPHCM, nói.
Tai Wan-ping, giáo sư ngành kinh doanh quốc tế ở Đại học Chính Tu (Đài Loan), cho rằng nếu các nhà sản xuất nước ngoài chỉ thuê một nhà kho ở Việt Nam thay vì xây dựng nhà máy, họ sẽ bị nghi ngờ chuyển hàng hóa từ Trung Quốc hoặc “rửa mác” để thay đổi mô tả về sản phẩm trước khi xuất khẩu. Tai Wan-ping nói: “Nếu họ chỉ thuê một nhà kho, bạn có thể nghĩ rằng đó là hành động giả tạo. Họ chỉ muốn chuyển hàng hóa sang Mỹ”.
Chẳng hạn, một số thép cuộn của Trung Quốc, được bán sang Mỹ sau khi trung chuyển qua Việt Nam, được bổ sung rất ít giá trị gia tăng. Maxfield Brown cho biết các công ty sản xuất ở Trung Quốc phải nâng hàm lượng giá trị gia tăng cho hàng hóa sau khi chuyển chúng sang Việt Nam để Mỹ vẫn xem chúng như hàng hóa Việt Nam.
Trước đây, các công ty thép Trung Quốc từng bị Mỹ nghi ngờ về hoạt động này.
Hồi tháng 5-2018, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo áp thuế ít nhất 39% lên thép chống ăn mòn và thép tấm cán nguội từ Việt Nam vì nghi ngờ chúng được sản xuất ở Trung Quốc rồi chuyển sang Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Mỹ để né chống bán phá giá.