Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng ở châu Âu lan ra toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá khí đốt cao kỷ lục ở châu Âu, giá than cao kỷ lục ở Trung Quốc, giá khí đốt tăng lên mức cao trong nhiều năm tại Mỹ và giá dầu trên thị trường quốc tế cao hơn mức trung bình thực sự trong dài hạn. Tất cả những diễn biến này cho thấy toàn thế giới đang thiếu năng lượng.

Một viễn cảnh xấu hơn là cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở châu Âu có thể nhanh chóng lan ra toàn cầu vì trong một thế giới toàn cầu hóa, tình trạng thiếu hụt năng lượng khó có thể hạn chế ở một khu vực trong thời gian dài trong bối cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy và ngân sách đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch đang giảm.

Người dân ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha biểu tình phản đối giá điện tăng vọt hồi tháng 7-2021. Ảnh: Europa Press

Châu Âu quay cuồng trong cơn khát năng lượng

Sau cơn suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-10, sản xuất năng lượng đã không theo kịp nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng nhanh chóng nhờ nền kinh tế toàn cầu bật dậy. Nhưng đà hồi phục kinh tế chủ yếu dựa vào hàng hóa được sản xuất trong các ngành thâm dụng năng lượng, chứ không phải ngành dịch vụ, khiến nhu cầu năng lượng càng tăng khủng khiếp.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng bắt đầu nổi lên ở châu Âu hồi đầu tháng này khi lượng khí đốt dự trữ trong khu vực xuống thấp nhưng nguồn cung khí đốt từ bên ngoài, đặc biệt là từ Nga bị hạn chế. Giá khí đốt đắt đỏ buộc một số nhà sản xuất phân bón trong khu vực phải tạm đóng cửa hoặc giảm công suất, dẫn đến thiếu nguồn cung CO2 cung cấp cho các nhà máy giết mổ gia súc, các công ty đồ uống có gas.

Các công ty điện lực ở châu Âu buộc phải chuyển qua sử dụng than để sản xuất điện, đẩy giá than tăng nhanh và kéo theo giá điện tăng lên mức kỷ lục ở nhiều nước như Anh, Tây Ban Nha. Có ít nhất 4 công ty dịch vụ năng lượng ở Anh đã phá sản vì chi phí tăng cao.

Tại Pháp, chính phủ cam kết trợ cấp 100 euro cho mỗi hộ gia đình trong tổng số 5,8 triệu hộ đang gặp khó khăn trong việc chi trả hóa đơn tiền điện.

Theo Bloomberg, hôm 24-9, giá than nhiệt lượng cao (dùng để sản xuất điện) giao đến cảng Rotterdam (Hà Lan) và cảng Antwerp (Bỉ) vào năm tới tăng  2,6% lên mức 137 đô la Mỹ/tấn, mức cao nhất từ năm 2008.

Cùng ngày, các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp khẩn cấp tại Slovenia để thảo luận vấn đề thiếu hụt khí đốt và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.

Mỹ đối mặt nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa đông tới

Các nhà xuất khẩu khí đốt của Mỹ đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng vọt từ châu Á và châu Âu khi các hoạt động kinh tế phục hồi, thúc đẩy nhu cầu điện. Một cuộc chiến đấu giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã diễn ra giữa các khách hàng châu Á và châu Âu và người châu Á đang thắng cuộc.

Trong nửa đầu năm nay, Mỹ xuất khẩu gần 10% sản lượng LNG. Xuất khẩu than cũng Mỹ cũng đang tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt là sau khi Trung Quốc hạn chế mua than của Úc do các căng thẳng ngoại giao. Trong quí 2, xuất khẩu than của Mỹ tăng 52,5% so với cùng kỳ nănm ngoái, theo S&P Global Market Intelligence

Tuy nhiên, nguồn cung than của Mỹ đang có dấu hiệu thắt chặt. Trong tháng 7, xuất khẩu than cốc của Mỹ đã giảm hơn 20% so với tháng 6, xuống còn 3,08 triệu tấn, theo dữ liệu của hãng tư vấn hàng hóa Argus. Nguồn cung than ở Mỹ bị hạn chế do các nhà sản xuất bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay và tình trạng thiếu lao động.

Cuộc cạnh tranh mua hàng hóa năng lượng của châu Âu và châu Á là tin tốt lành cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Mỹ nhưng có thể nhanh chóng trở thành tin xấu trong mùa đông sắp tới. Các dữ liệu cho thấy lượng LNG ở các kho dự trữ của Mỹ đang giảm và thấp hơn 7,1% so với mức trung bình của 5 năm. Lượng dầu dự trữ thương mại theo mùa vụ của Mỹ cũng đang ở mức thấp hơn 5% so với trước đại dịch.

Mới đây, Hiệp hội các nhà tiêu thụ năng lượng công nghiệp Mỹ (IECA), tổ chức đại diện cho các các công ty sản xuất hóa chất, thực phẩm và nguyên vật liệu ở Mỹ, đã gửi thư cho Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Jennifer Granholm hối thúc bộ này hành động ngay lập tức để hạn chế xuất khẩu LNG, giúp Mỹ có thể tích trữ đủ lượng khí đốt cần thiết trước khi mùa đông tới, tránh nguy cơ giá tăng vọt.

Các kho dự trữ than ở Mỹ cũng đang vơi dần vì xuất khẩu tăng mạnh khi giá tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Thông tin năng lượng Mỹ dự báo lượng than dự trữ của các nhà máy điện ở Mỹ có thể giảm về mức 61,3 triệu tấn vào cuối quí 4, thấp hơn 50% so với năm ngoái và thấp nhất kể từ năm 1997. Có nguy cơ các công ty điện lực ở Mỹ sẽ thiếu than để vận hành nếu mùa đông sắp tới trở nên khắc nghiệt hơn bình thường.

Các nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc thiếu than

Nếu như khủng hoảng năng lượng ở châu Âu chủ yếu do thiếu nguồn cung khí đốt, thì vấn đề của Trung Quốc là thiếu than. Trong những tháng gần đây, lượng than dự trữ ở các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc xuống thấp. Các nhà máy này đang chật vật tìm mua đủ than để duy trì hoạt động.

Một số nhà máy buộc phải đóng cửa để tiết kiệm chi phí và điều này làm tăng nguy cơ thiếu điện khi mùa đông tới. Chính phủ Trung Quốc hối thúc các khu vực sản xuất than lớn ở trong nước phải nhanh chóng tăng sản lượng.

Hồi đầu tháng này, giá than nhiệt lượng cao tương lai ở Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu chạm mức cao kỷ lục 150 đô la Mỹ/tấn, gần gấp đôi so với cách đây một năm.

Một viễn cảnh tồi tệ hơn cho cho nguồn cung năng lượng toàn cầu là nếu như Trung Quốc không có đủ than và khí đốt, thì bất cứ nước nhập khẩu năng lượng cũng sẽ thiếu chúng vì Trung Quốc sẽ quyết liệt trả giá cao hơn để gom các nguồn cung từ nước ngoài.

Trung Quốc đang đẩy mạnh gom vét LNG  trên thị trường quốc tế để phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm mùa đông, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung khí đốt trên toàn cầu. Nhiều nhà nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã dừng mua trên thị trường giao ngay khi giá nhiên liệu này tăng vọt trong mùa hè qua. Họ đặt cược rằng giá LNG giao ngay sẽ giảm nhưng điều đó đã không diễn ra và giờ đây, họ buộc phải nhảy trở lại vào thị trường này.

Tại Brazil, nước đang trải qua cơn hạn hán nghiêm trọng nhất trong gần một thế kỷ. Hồi cuối tháng 8, Tổng thống Jair Bolsonaro kêu gọi người dân tắt bớt bóng đèn ở nhà để giúp tiết kiệm điện. Khoảng 2/3 nhu cầu năng lượng của đất nước 213 triệu dân này phụ thuộc vào thủy điện nhưng các hồ thủy điện đang cạn xuống mức thấp gần kỷ lục do hạn hán.

Cơ quan vệ sinh môi trường và nước quốc gia Brazil cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở lưu vực sông Rarana, trung tâm sản xuất thủy điện của Brazil, sẽ kéo dài đến tháng 11.

Theo Bloomberg, Reuters, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới