(KTSG Online) - Hồi đầu tuần qua, hình ảnh giả do trí tạo nhân tạo (AI) tạo ra về vụ nổ ở gần Lầu Năm Góc đã khiến giới đầu tư hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu. Vụ việc là ví dụ đầu tiên cho thấy mối đe dọa của các nội dung giả từ AI đối với hoạt động của các thị trường tài chính.
- Lừa đảo deepfake gia tăng cùng với sự trỗi dậy của AI
- AI bắt đầu gây xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp
Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có nguy cơ gây nhiễu loạn các thị trường tài chính vì công nghệ này có thể bị lạm dụng để phát tán hình ảnh giả và thông tin sai lệch. Cảnh báo này được nhóm nhà phân tích Annabel Willder, Victoria Kalb và Julie Hudson của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) đưa ra trong báo cáo hôm 26-5.
“Thông tin không chính xác hoặc “tự sáng tác” từ các mô hình AI và có liên quan đến các cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoặc nhân vật của công chúng có thể được chia sẻ rộng rãi và gây những tác động tiềm ẩn đến thị trường”, báo cáo cho biết.
Trên thực tế, những biến cố như vậy đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tuần này, chứng khoán Mỹ đã sụt giảm trong thời gian ngắn sau khi một bức ảnh giả về một vụ nổ gần Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) lan truyền trên các trang mạng xã hội. Ảnh giả này ban đầu xuất hiện trên Facebook, rồi nhanh chóng lan sang các tài khoản Twitter có lượng người theo dõi lớn, bao gồm tài khoản của trang thông tin tài chính ZeroHedge và hãng truyền thông RT của Nga.
Các chuyên gia nhanh chóng chỉ ra rằng đây là hình ảnh này có thể là một sản phẩm của AI. Vụ việc dường như trường hợp đầu tiên thị trường bị ảnh hưởng bởi hình ảnh giả mà AI tạo ra. Điều này diễn ra chỉ vài tháng sau khi OpenAI ra mắt công cụ chatbot AI tạo sinh có tên gọi ChatGPT và kích hoạt một cuộc chạy đua toàn cầu để phát triển các dịch vụ tương tự.
Trong một bài viết gần đây đăng trên New York Times, Chủ tịch Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) Lina Khan đã bày tỏ những mối lo ngại trước sự trỗi dậy của AI, đồng thời cảnh báo giới chức trách sẽ tăng cường giám sát công nghệ này.
Tuy nhiên, cho đến lúc đó, giới đầu tư phải cảnh giác và thẩm định kỹ những bức ảnh, video phát tán trên mạng internet.
“Chúng tôi cho rằng việc sử dụng rộng rãi AI tạo sinh báo hiệu sự thay đổi lớn của công nghệ chỉ diễn ra một lần trong một thế hệ và sẽ gây ra các tác động lớn đối với chứng khoán và xã hội”, nhà phân tích John Blackledge của TD Cowen, viết trong một báo cáo.
Trước những rủi ro như vậy, nhiều ngân hàng ở Phố Wall đã hạn chế nhân viên sử dụng các chương trình AI tạo sinh. Đầu năm nay, các ngân hàng gồm Bank of America Corp., Citigroup. Deutsche Bank, Goldman Sachs và Wells Fargo cấm nhân viên sử dụng các công cụ như ChatGTPT.
Theo các nhà phân tích của UBS, sự phổ biến của công nghệ AI tạo sinh có thể khiến việc phân biệt giữa nội dung thực tế và nội dung giả gồm hình ảnh, video, âm thanh do AI tạo ra, hay còn gọi là deepfake, trở nên khó khăn hơn. Họ liệt kê nhiều rủi ro liên quan đến deepfake. Chẳng hạn, AI có thể được sử dụng để tạo các video giả về các giám đốc điều hành đang cập nhật hoạt động kinh doanh của công ty hoặc các nhà đầu tư nổi tiếng thông báo về việc mua bán cổ phần của họ. Các video giả như vậy có thể tác động đến thị trường.
“Vấn đề quản trị trở nên quan trọng trong bối cảnh AI tạo sinh được ứng dụng nhanh chóng. Chúng tôi tin rằng deepfake và thông tin không chính xác có thể gây ra những tác động lớn đối với các thị trường nếu các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp và các nhân vật công chúng khác bị mạo danh để phát tán thông tin sai lệch”, các nhà phân tích của UBS cho biết.
Họ cũng lo ngại AI sẽ khiến tài sản trí tuệ và bí mật thương mại dễ bị rò rỉ hơn khi người dùng nhập các thông tin nhạy cảm này vào các công cụ chatbot để yêu cầu phân tích.
Họ viết: “Bất kỳ hành động chia sẻ dữ liệu tài sản trí tuệ nào qua chatbot AI, dù vô tình, đều có khả năng gây tổn hại cho doanh nghiệp nếu người dùng không thực hiện các quy trình tránh vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ”.
Các nhà phân tích của UBS dự báo các hệ thống AI tạo sinh có thể dần trở nên phổ biến như máy tính, máy in và internet. Họ lưu ý công nghệ này mang lại cơ hội phát triển cho các ngành như giáo dục và y tế học.
Đồng thời, những công ty hỗ trợ công nghệ AI tạo sinh đang được hưởng lợi. Với giá cổ phiếu tăng gần 160% trong năm nay, Nvidia, nhà sản xuất các sản phẩm chip xử lý đồ họa sử dụng để huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn, đang tiến sát mốc vốn hóa 1.000 tỉ đô la.
Theo Bloomberg