Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà bán hàng online cần làm gì để không bỏ sót nghĩa vụ thuế?

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Gần đây không ít trường hợp nhà bán hàng online bị truy thu, phạt tiền vì không tuân thủ hoặc chậm kê khai mức nộp thuế. Chuyên gia cho rằng nhà kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội, thương mại điện tử bây giờ phải có sự chủ động tìm hiểu và quan tâm đúng mức các thủ tục pháp lý để tránh hậu quả, rắc rối về sau.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (thuộc Bộ Công Thương), thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỉ đô la Mỹ. Năm 2023, thu thuế trong lĩnh vực TMĐT là 97.000 tỉ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022. Cơ quan thuế cũng đưa tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử vào diện rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm là 31.570 trường hợp, gồm 6.257 doanh nghiệp và 25.313 cá nhân trong 3 năm 2021 – 2023.

Hiểu thế nào về thuế bán hàng online?

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp hoặc cá nhân khi kinh doanh, bất kể trên môi trường vật lý hay môi trường mạng như các nền tảng mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử đều được xác định là người nộp thuế. Họ phải thực hiện việc đăng ký, khai báo, nộp hồ sơ thuế và đóng thuế theo quy định. Về loại thuế mà người kinh doanh phải đóng, phổ biến là thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng.

Luật sư Nguyễn Thái Hải Lâm nhận định trên thị trường hiện nay có không ít người kinh doanh qua mạng chưa chủ động thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định.

Điều này có lẽ đến từ việc hình thức kinh doanh này vận hành đơn giản nên người bán ít chú trọng đến khía cạnh pháp lý, trong đó có việc tuân thủ các nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, giao dịch trên môi trường thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng và khó kiểm soát, đặc biệt với các giao dịch nhỏ lẻ và người tiêu dùng thanh toán bằng tiền mặt.

Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử hay nền tảng trung gian mạng xã hội có 2 hình thức kinh doanh phổ biến. Đầu tiên, hình thức trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội.

Thứ hai, hình thức tiếp thị liên kết (affiliate marketing), tức là giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng và hưởng hoa hồng từ nhà cung cấp khi phát sinh đơn hàng hoặc người tiêu dùng thực hiện một hành động nào đó như trả lời khảo sát, tải liên kết…

Một phiên livestream của tiểu thương chợ Bến Thành. Ảnh: Tư liệu

Với cả 2 hình thức nêu trên, người kinh doanh đều phải đăng ký, kê khai và nộp các loại thuế theo quy định, thông thường là liên quan thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, trường hợp trực tiếp cung cấp sản phẩm, dịch vụ thì người kinh doanh còn phải tuân thủ các nghĩa vụ thuế liên quan đến hàng hóa, dịch vụ như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… tùy thuộc vào hàng hóa, dịch vụ cụ thể có thuộc đối tượng chịu thuế hay không.

Để xác định chính xác nghĩa vụ thuế của tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh cần phải xem trên nhiều khía cạnh. Bởi lẽ, việc phải nộp loại thuế nào, nộp bao nhiêu, nộp khi nào còn tùy thuộc vào mô hình kinh doanh, phương pháp tính thuế, doanh thu, lĩnh vực kinh doanh cũng như hàng hóa, dịch vụ cung ứng cụ thể.

Luật sư Lâm ví dụ, nếu hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp thuế VAT cũng như thuế TNCN, nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp các loại thuế này.

Hoặc trường hợp cùng là hộ kinh doanh, nhưng lĩnh vực kinh doanh khác nhau sẽ mức thuế suất khác nhau. Nếu phân phối, cung cấp hàng hóa thì đóng 1,5% trên doanh thu (1% thuế VAT + 0,5% thuế TNCN) hoặc cung ứng dịch vụ môi giới, hoa hồng đại lý thì mức đóng là 7% trên doanh thu (5% thuế VAT + 2% thuế TNCN).

Ngoài ra, cá nhân kinh doanh hay hộ kinh doanh không được giảm trừ các khoản chi phí đầu vào như chi phí mua máy móc, thiết bị, chi phí thuê nhân sự... khi tính doanh thu. Trong khi đó, một doanh nghiệp có thể được trừ các khoản chi phí đầu vào hợp lệ khi tính doanh thu và xác định thu nhập chịu thuế.

Tuân thủ thuế còn gặp khó

Từ quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-7-2024 giao dịch chuyển khoản phải được xác thực sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt khi thuộc 1 trong 2 trường hợp. Cụ thể là giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu/lần hoặc giao dịch chuyển khoản dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng giá trị số tiền các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu. Đây là yêu cầu nhằm tăng cường tính bảo mật trong các giao dịch.

Bên cạnh đó, giải pháp này cũng giúp cơ quan nhà nước và ngân hàng định danh chủ tài khoản và những người thực hiện giao dịch. “Thông qua đó, quá trình truy vết dòng tiền của cơ quan nhà nước rõ ràng sẽ thuận lợi hơn”, chuyên gia nhấn mạnh.

Quy định trên góp phần giúp cơ quan chức năng thống kê tương đối chính xác thu nhập từ hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên môi trường điện tử. Như vậy, nếu người kinh doanh không thực hiện việc đăng ký, kê khai và đóng thuế theo quy định thì rất có thể bị cơ quan chức năng xử lý.

Nhiều trường hợp cá nhân kinh doanh bị truy thuế gần đây lên đến vài chục triệu đồng là một ví dụ. Đặc biệt, nếu doanh thu cao mà không thực hiện việc đăng ký, kê khai và đóng thuế thì bên cạnh việc bị truy thu thuế, chế tài xử phạt dành cho người kinh doanh cũng nặng hơn.

Anh Trần Lâm, CEO công ty Natural House, chuyên bán sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe sử dụng chiết xuất từ tinh dầu trên các nền tảng thương mại điện tử cho biết, quá trình tuân thủ theo các quy định với cơ quan thuế, cá nhân anh và đội ngũ đảm nhiệm phần việc này vẫn gặp nhiều bất cập.

Với mô hình hoạt động là công ty, anh gặp khó khăn khi phải làm thủ tục xuất hóa đơn trong 24 giờ đồng hồ, bởi lẽ số lượng đơn hàng lên đến cả ngàn đơn một ngày với đủ mức giá khiến bộ phận đảm nhiệm dễ gặp sai sót. “Hiện nay trên thị trường không có phần mềm nào hỗ trợ tính toán chuẩn xác, quản lý để xuất hóa đơn như thế nào là đúng theo quy định”, anh bộc bạch.

Livestream bán hàng với nhiều công nghệ hỗ trợ. Ảnh: Hoàng An

Anh kể, với chính sách mới trên sàn TMĐT, chẳng hạn phải 15 ngày không có yêu cầu trả hàng, hoàn đổi sản phẩm thì mới xem là đơn hàng hoàn thành. Nhưng phía cơ quan chức năng quy định khi phát sinh đơn hàng phải xuất hóa đơn ngay trong ngày, điều này làm anh loay hoay. Hiện công ty đang chịu hai khoản thuế là thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình 10-11% trên doanh thu.

Được biết, công ty đang tạm giải quyết bằng cách xuất hóa đơn theo một chu kỳ hoàn thành đơn hàng tầm 5-6 ngày, một tháng xuất 3-4 lần hóa đơn. Việc này giúp doanh nghiệp tạm thời hạn chế nhân lực làm giấy tờ, hóa đơn cũng như nhân viên thuận lợi kiểm tra đúng số lượng đơn giao đi thành công. Tuy vậy phía anh cũng phải chấp nhận khoản phạt vì xuất hóa đơn chậm.

“Tôi hy vọng phía cơ quan thuế có hướng dẫn cụ thể nếu kinh doanh trên TMĐT nên làm thế nào là tuân thủ đúng pháp luật và chỉ ra có công nghệ phần mềm gì trên thị trường hỗ trợ được cho doanh nghiệp tính toán thuế để họ có thể ứng dụng hằng ngày”, anh nói.

Ngoài ra, anh chia sẻ thêm kinh nghiệm trong khâu quản lý, nhà bán hàng online nên tách bạch tài khoản kinh doanh và tài khoản cá nhân để thuận tiện giải thích, sao kê giao dịch. Từ đó nhà bán hàng chứng minh rõ ràng nguồn gốc dòng tiền với cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết.

Trong thời đại xuất hiện nhiều phương tiện giám sát, quản lý TMĐT hiện nay, việc chủ động tuân thủ, chấp hành quy định thuế là bắt buộc khi kinh doanh cũng như để doanh nghiệp được phát triển lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới