Nhà cổ trên cù lao Tân Lộc
![]() |
Một ngôi nhà xây dựng từ năm 1918. |
(TBKTSG Online) - Ở Tân Lộc (Thốt Nồt) có khá nhiều nhà cổ, đa phần được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Chủ nhân những ngôi nhà này là các quan lại, địa chủ giàu có ở Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc... xây dựng làm nơi vui thú điền viên. Một số nhà cổ có người ở còn khá nguyên vẹn, một số khác bị bỏ hoang nên đã bị hư hại nhiều.
Tân Lộc là một cù lao khá lớn có chiều dài hơn mười lăm cây số, chiều ngang chừng non hai cây số nằm giữa sông Hậu bao la, thuộc địa phận huyện Thốt Nốt (Cần Thơ). Theo lời kể của ông Trần Bá Thế (Sáu Thế) - hậu duệ bên ngoại đời thứ bảy của ông Phạm Văn Huấn, người khai phá vùng đất này - cù lao Tân Lộc xuất hiện (nổi lên mặt nước) cách đây trên dưới 400 năm do sự bồi lắng rất nhanh của phù sa cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về.
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà của ông Sáu Thế ở ấp Tân An, xã Tân Lộc. Chủ nhà từng làm chánh lục sự tại toà án Long Xuyên (trước năm 1975), có thâm niên trên 30 năm. Năm nay ông Sáu đã 88 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn, vẫn tỏ ra là một kho tư liệu sống đáng tin cậy về chuyện cũ của đất Thốt Nốt.
Nhà ông Sáu Thế do cụ thân sinh là ông hội đồng Trần Thiên Thoại (Long Xuyên) xây dựng vào năm 1918, kiến trúc mang phong cách phương Tây, nền bệ cao ốp đá xanh, trên các vòm cửa có đắp phù điêu, hoa văn, họa tiết trang trí. Mái lợp ngói vẩy cá, nền lát gạch bông.
Trước nhà, ngay cửa cái, có bao lơn án ngữ. Tường xây gạch thẻ bốn mươi, các cửa sổ hình chữ nhật cao có chấn song sắt và cửa lá sách thẻ; trần nhà cao, tấm trần bằng nẹp dầu mỏng, đóng khít, được đắp vôi trộn với ô-dước. Với cấu trúc như vậy nên thường các ngôi nhà cổ rất thoáng mát.
![]() |
Nội thất nhà ông Sáu Thế. |
Treo lơ lửng trên trần là những chiếc đèn lồng làm bằng gỗ theo kiểu Trung Hoa vào khoảng gần cuối thế kỷ XIX, cùng với những cây đèn măng-sông thế hệ đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam. Có cả đèn dầu lửa Hoa Kỳ dùng cho thợ mỏ vào những năm đầu của thế kỷ trước.
Trong nhà có rất nhiều tủ cẩn xà cừ, những bức liễn, hoành phi chạm khắc rất tinh xảo những hình ảnh theo các truyện tích cổ hoặc đơn giản là phong cảnh thiên nhiên với sinh hoạt của con người. Trên hai cánh cửa mặt trước chiếc tủ chè khảm xà cừ hai bài thơ chữ Hán trích trong khúc “Thanh bình điệu” của Tửu trung tiên Lý Bạch (701-762), nhà thơ lỗi lạc thời Thịnh Đường (Trung Quốc).
Vui chuyện, ông Sáu Thế cho chúng tôi xem một vật lạ. Đó là một cái răng
![]() |
"Thanh Bình điệu của Lý Bạch được chạm lên cánh cửa tủ. |
voi trông rất lạ lùng, to và hơi dẹt như một tảng đá nhỏ, nặng chừng 6,7 ki lô gam, trên mặt răng có dợn sóng bằng ngà với những rãnh như răng cưa. Tôi thầm nghĩ, phải chăng đây là chiếc răng voi đã hoá thạch (?)…
Nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, khi đào mương lên liếp vườn, đào đất xây dựng công trình, thỉnh thoảng người ta gặp dưới lòng đất những xương thú lớn như cá sấu trâu bò rừng, voi tượng hoá thạch. Năm 1985, đoàn khảo sát của viện Khảo cổ Trung ương đã phát hiện di chỉ văn hoá Óc Eo ở Lung Cột Cầu thuộc ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành, Cần Thơ. Hiện những mẫu vật, cổ vật ấy được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ (số 2 đại lộ Hoà Bình).
![]() |
Những ngôi nhà cổ trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách phương xa. |
Theo ông Sáu Thế, số nhà cổ ở Tân Lộc ước chừng trên dưới chục cái, đa phần đã bị hư hại ít nhiều. Chúng tôi đã tìm đến xem vài ngôi nhà khác như nhà của bộ Nghét, hội đồng Vàng, nhà của nghị Văn ở ấp Tân An… Một vài chủ nhân nhà cổ ở Tân Lộc Đông, Tân An cho biết, thỉnh thoảng có một vài đoàn nghiên cứu, khảo sát đến thăm và nói rằng sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền tính đến việc bảo tồn những ngôi nhà cổ ở đây. Nhưng các đoàn khách đi rồi thì câu chuyện “bảo tồn nhà cổ” cũng theo họ, chẳng thấy tăm hơi gì!
Dấu tích thời gian vẫn còn đọng trên từng ô cửa, phiến gạch. Những ngôi nhà cổ gợi cho người ta hoài niệm về một quá khứ xa xôi. Những ngôi nhà cổ vẫn còn đó, trên mảnh đất cù lao giữa dòng sông Hậu…
Bài và ảnh: ANH VIỆT