Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà cung ứng thương mại điện tử xuyên biên giới đã nộp thuế hơn 900 tỉ đồng

Nam Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau 5 tháng thực hiện việc quản lý thuế với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, số tiền thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp vào ngân sách đạt trên 900 tỉ đồng. Thông tin trên được TTXVN dẫn nguồn từ Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn tại một sự kiện vào ngày 12-9.

Cũng theo ông Tuấn, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ với mức tăng trưởng hàng năm ở mức cao. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt 16% với quy mô đạt trên 13,7 tỉ đô la Mỹ và được dự báo có thể đạt 39 tỉ đô la vào năm 2025.  Đến nay, có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Ảnh minh họa: Tổng cục Thuế

Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Google cũng đưa ra nhận định, vào năm 2025,  quy mô nền kinh tế số của Việt Nam có thể sẽ vượt mốc 52 tỉ đô la và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Theo thống kê từ cơ quan quản lý, Việt Nam hiện có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Xuất phát từ thực tế thị trường và yêu cầu công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình Bộ Tài chính phê duyệt đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện chính sách quản lý thuế, lần đầu tiên đã có quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019 về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam phải trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế.

Từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ số trên các nền tảng như Facebook, Google, Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TPHCMđã đưa gần 10.000 cá nhân và trên 4.500 tổ chức có thu nhập từ hoạt động này để thực hiện công tác quản lý thuế.

Bộ Tài chính đã ký kết Thỏa thuận phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Tuy nhiên, phát triển hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…

Tổng hợp từ TTXVN, Tổng cục Thuế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới