Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu cơ tháo chạy, thị trường ngũ cốc bị bán tháo

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong những tuần gần đây, giá bắp, đậu nành và lúa mì trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh, rơi về mức thấp cách đây một năm. Theo nhận định của giới phân tích, với nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu vẫn còn căng thẳng, thị trường dường như đã giảm quá đà do dòng tiền đầu cơ bị rút quá nhanh.

Một cánh đồng lúa mì ở làng Khreshchate thuộc vùng Chernihiv của Ukraine. Ảnh: Reuters

Sự tháo chạy của các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác khỏi thị trường hàng hóa đã làm trầm trọng thêm đà giảm giá lúa mì, bắp, đậu nành và các mặt hàng lương thực khác. Đó là một sự đảo ngược mạnh mẽ so với đầu năm nay khi các nhà quản lý tiền tệ đổ xô mua ngũ cốc trên các thị trường tương lai vì họ đặt cược rằng giá sẽ tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn do cuộc chiến Nga-Ukraine.

Lúa và đậu nành đã tăng giá lên mức kỷ lục vào đầu năm nay và giá bắp cũng tiến sát với mức cao nhất trong lịch sử, nhưng kể từ đó các nhà đầu cơ đã rút khỏi thị trường nông sản để chốt lời hoặc đóng các vị thế nắm giữ để phòng ngừa lạm phát và chống chọi với với suy thoái.

Sự rút lui của dòng tiền đầu cơ trên thị trường hàng hóa rộng lớn hơn bao gồm cả kim loại và dầu thô, dẫn đến sự sụt giá mạnh, làm dấy lên các hy vọng cho rằng lạm phát đã qua mức đỉnh. Nhưng đối với các mặt hàng nông nghiệp, sự đổ xô và rút lui của dòng tiền đầu cơ đặc biệt rõ rệt và gây ra những tác động lớn.

Dave Whitcomb, người sáng lập Công ty Peak Trading Research, cho biết: “Các quỹ đầu cơ luôn là động lực thúc đẩy giá trên thị trường nông nghiệp. Và khi các quỹ đầu cơ bán, giá ngũ cốc sẽ đi xuống ”.

Các giao dịch kỳ hạn giữa những bên tham gia sản xuất, buôn bán và tiêu thụ ngũ cốc thực sự, chẳng hạn như nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm, có xu hướng cân bằng. Nhưng các nhà đầu cơ chỉ tham gia thị trường với mục đích kiếm lợi nhuận từ biến động giá hơn là quản lý rủi ro. Khi nhiều người trong số họ bắt đầu đặt cược giống nhau, tức cùng mua hoặc cùng bán, điều này có thể khiến thị trường mất cân bằng và khuếch đại biến động giá. Thị trường nông sản trở thành cuộc đặt cược phổ biến trên Phố Wall vào mùa thu năm 2020 khi nhu cầu của các nền kinh tế đang thoát khỏi tình trạng phong tỏa kiểm soát Covid-19 tăng cao. Các nhà nhập khẩu thực phẩm chạy đua bổ sung kho hàng giữa lúc các vụ mùa thất bát. Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác cũng đổ xô mua vào các hợp đồng nông sản kỳ hạn.

Đến đầu năm 2021, họ đã đặt cược mức lớn nhất từ trước đến nay vào xu hướng giá tăng trên 13 thị trường hàng hóa nông sản, được tính bằng số lượng hợp đồng, theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ.

Các giao dịch thương mại thuần túy giảm dần, nhường chỗ cho giao dịch đầu cơ sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, tạo động lực tăng giá mới cho ngũ cốc.

Khi giá tăng, quy mô đặt cược của các nhà đầu cơ trên thị trường ngũ cốc đã lên gần 57 tỉ đô la vào tháng 3, mức lớn nhất trong hơn 11 năm, theo Peak Trading Research.

Trên các thị trường hàng hóa tương lai, làn sóng bán tháo xuất hiện sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát. Đồng đô la Mỹ mạnh lên, khiến hàng hóa trở nên đắt hơn đối với các nhà nhập khẩu. Và mối lo ngại về suy thoái kinh tế đã khiến các nhà đầu cơ đóng các vị thế đặt cược tăng giá.

Theo Peak Trading Research, đến cuối tháng 7, các vị thế đặt cược tăng giá gần như đã bị đóng hoàn toàn. Giá bắp và lúa mì tương lai ở Mỹ giảm lần lượt 25% và 27% trong ba tháng qua, tính đến ngày 4-8. Trong thời gian đó, giá đậu nành tương lai giảm 16%.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs cho biết tình trạng bán tháo ngũ cốc “không liên quan đến các yếu tố cơ bản của thị trường và được thúc đẩy bởi việc thanh lý tài chính”.

Theo nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan, cú lao dốc của thị trường ngũ cốc đang che khuất sự lệch lạc sâu sắc trong dòng chảy thương mại nông sản toàn cầu. Họ nhận định không có cách nào làm giảm bớt rủi ro thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc cho đến năm 2023. Họ cho rằng giá các mặt hàng nông nghiệp chủ chốt đã giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất mà đáng lẽ ra phải cao hơn mức 20-30% so với hiện nay để phản ánh các vấn đề về nguồn cung.

Thị trường ngũ cốc vẫn đối mặt với những rủi ro về nguồn cung bao gồm chiến tranh ở Ukraine, các biến cố thời tiết và hàng tồn kho vẫn ở mức thấp trên toàn thế giới.

Dù hồi đầu tuần, Ukraine đã xuất khẩu lô hàng ngũ cốc đầu tiên kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở nước này, giới phân tích cảnh báo rằng thỏa thuận với Nga cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc an toàn qua Biển Đen có thể sụp đổ. Ngay cả khi thỏa thuận không bị phá vỡ, vẫn sẽ mất nhiều tháng để xử lý hàng chục triệu tấn ngũ cốc tồn đọng ở Ukraine. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán trong niên vụ này, Ukraine sẽ xuất khẩu chỉ khoảng 50% sản lượng ngũ cốc và hạt giống so với niên vụ trước.

Trong khi đó, một số khu vực nông nghiệp ở Mỹ đang chứng kiến nắng nóng và hạn hán kỷ lục, đe dọa sản lượng của các vụ mùa. Các nhà phân tích của Goldman Sachs viết trong một báo cáo công bố hôm 3-8: “Các điều kiện thời tiết đối với các vụ mùa bắp, đậu nành và lúa mì đã gần như liên tục xấu đi trong sáu tuần qua”. Họ ước tính năng suất ngũ cốc của Mỹ có thể giảm từ 2- 3% trong mùa vụ này. Điều này có thể đẩy lượng tồn kho bắp và đậu nành xuống so với mức tiêu thụ với mức thấp nhất lịch sử.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới