(KTSG Online) - Tâm lý lạc quan tràn ngập trên thị trường chứng khoán toàn cầu sau khi các dữ liệu mới nhất về số đơn trợ cấp thất nghiệp và doanh số bán lẻ đều cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng lành mạnh.
Với nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái tiêu tan và triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ hạ lãi suất, nhà đầu tư nhanh chóng mua lại những cổ phiếu đã bán tháo trước đó.
Chốt phiên giao dịch hôm 16-8, hầu hết các thị trường cổ phiếu ở châu Á đều tăng giá mạnh mẽ. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 1.336,03 điểm, tương đương 3,64%, lên 38.062,67 điểm, cao nhất kể từ đầu tháng. Với mức tăng 8,67% trong tuần qua, chỉ số này chứng kiến tuần thăng hoa nhất kể từ tháng 4-2020. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 1,99% dưới sự dẫn dắt của cổ phiếu Samsung (tăng 3,9%) và cổ phiếu SK Hynix (tăng 7%). Chỉ số Taiex của Đài Loan tăng hơn 2%, còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,88%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0,072%.
Tâm lý lạc quan tràn ngập trên thị các thị trường chứng khoán khi giới đầu tư trút được nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, công bố hôm 15-8, doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Bảy tăng 1% so với tháng Sáu, lên 709,7 tỉ đô la. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1-2023 và cũng cao hơn mức dự báo tăng 0,3% của các nhà kinh tế.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 10-8 là 227.000, giảm 7.000 so với tuần trước đó, thấp hơn mức dự báo 235.000. Lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm trong hai tuần liên tiếp sau khi tăng lên mức cao nhất trong một năm vào tuần cuối tháng Bảy.
Các số liệu kinh tế mới này cho thấy, mối lo lắng của nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái của Mỹ vào đầu tháng này không có cơ sở dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 4,3% trong tháng Bảy.
“Những lo ngại quá mức về suy thoái kinh tế hồi đầu tháng đã bị gạt sang một bên trong khi kỳ vọng kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm’ đang tăng lên” Masahiro Ichikawa, nhà chiến lược thị trường của Sumitomo Mitsui DS Asset Management nói.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, với lạm phát đang hạ nhiệt và nền kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định, Fed sẽ giảm lãi suất dần dần, 25 điểm cơ bản mỗi đợt.
“Nền kinh tế Mỹ sẽ không đi chệch hướng. Không có ‘cơn bão’ nào đang xảy ra trên thị trường lao động có thể khiến Fed xem xét giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng tới”, Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng của Công ty nghiên cứu thị trường FWDBONDS nói.
Chốt phiên giao dịch hôm 15-8, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng 1,6%, nới rộng chuỗi tăng điểm lên sáu ngày liên tiếp.
Tính đến hôm 16-8, chỉ số theo dõi chứng khoán toàn cầu MSCI All Country World Index tăng gần 4% trong 5 phiên giao dịch.
Trong phiên giao dịch đầu tuần trước, thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo trong cơn hoảng loạn của nhà đầu tư. Nhà đầu tư không chỉ bất an về sức khỏe của kinh tế Mỹ mà còn bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực khác như mức định giá đắt đỏ của cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ Mỹ và làn sóng đảo ngược chiến lược “carry trade” đối với đồng yen (vay đồng yen để mua các tài sản khác được định giá theo các tiền tệ có lãi suất cao hơn).
Theo David Russell, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu TradeStation, kịch bản kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm" đang trở thành hiện thực.
“Các số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ cho thấy, sự biến động gần đây của thị trường không thực sự là mối đe dọa tăng trưởng. Đó chỉ sự biến động mang yếu tố thời vụ trong mùa hè, bị khuếch đại bởi những chuyển động mạnh trên thị trường tiền tệ”, ông nói.
Cùng ý kiến này, Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết, nếu Mỹ tiếp tục tăng trưởng lành mạnh, đặc biệt là đi kèm với làm phạt hạ nhiệt, Fed có thể bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
“Lịch sử cho thấy đây là một môi trường cực kỳ tích cực cho thị trường chứng khoán”, ông nói.
Theo Kyodo News, Bloomberg, Reuters