(KTSG Online) - Chất lượng lãnh đạo, năng lực quản lý, khả năng tuân thủ các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG), tính khả thi của những kế hoạch kinh doanh mà ban điều hành công ty đưa ra là những yếu tố quan trọng nhất, cho thấy sự tăng trưởng giá trị dài hạn của một doanh nghiệp.
- Chặng cuối kinh doanh khởi sắc của các công ty chứng khoán!
- Chứng khoán 2024 – ngành nào sẽ hút tiền?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn đối mặt với các rủi ro đến từ bên ngoài cùng những thách thức nội tại như doanh thu của doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng, các khoản thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn... nhà đầu tư càng đặt ra kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận, để có thể hấp dẫn họ mạo hiểm với đồng vốn của mình.
KTSG Online đã có cuộc trò chuyện với ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư của VinaCapital Group, về triển vọng TTCK và những lưu ý với nhà đầu tư trong một năm đầy khó khăn này.
KTSG Online: Với vai trò doanh nhân, ông đánh giá môi trường kinh doanh và văn hoá kinh doanh ở Việt Nam có những khác biệt nào so với các quốc gia khác?
Ông Andy Ho: Việt Nam có môi trường kinh doanh và đầu tư thân thiện. Định hướng của Việt Nam rất nhất quán, đặt trọng tâm vào cải cách chính sách, phát triển thị trường vốn, cùng các biện pháp nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững. Sự ổn định này có lợi cho các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, giúp nâng cao tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước.
Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng thực tế rằng nhà đầu tư khi rót vốn vào một thị trường đang phát triển như Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức. Chúng tôi nhận thấy một trong những thách thức lớn nhất mà nhà đầu tư thường gặp phải là việc xác định tính khả thi của những kế hoạch kinh doanh mà ban điều hành công ty đưa ra, qua đó có được những định giá và điều khoản phù hợp cho cả bên đầu tư và bên nhận đầu tư.
Để duy trì sự hấp dẫn trong dài hạn, nhà đầu tư cần nhận được lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro cao của một thị trường đang phát triển.
Việt Nam, với vai trò là một điểm đến đầu tư, có những thuận lợi nào so với các quốc gia khác?
Các nhà đầu tư nước ngoài đều thể hiện sự quan tâm lớn đến triển vọng của Việt Nam trong những năm tới. Họ đánh giá cao sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu người dân, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc +1 và khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.
Năm qua, Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng GDP 5,1% khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Trong 10 năm tới, chúng tôi cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 15-25% một năm, đồng hành cũng mức tăng trưởng kinh tế 6-7% một năm trong trung và dài hạn. Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động kiểm soát lạm phát ở mức 2-4%/năm, hỗ trợ ổn định tỷ giá VND so với USD. Các yếu tố vĩ mô này sẽ mang đến tác động tích cực cho nhà đầu tư trong trung và dài hạn.
Bản thân ông và VinaCapital từng trải qua không ít giai đoạn biến động trên thị trường chứng khoán và thị trường vốn Việt Nam, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm để vượt qua khó khăn?
Đồng hành cùng TTCK Việt Nam trong suốt 20 năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng TTCK hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, và minh bạch. Chúng tôi luôn cho rằng sự phát triển của doanh nghiệp phải song hành cùng sự thịnh vượng của đất nước, điều đó luôn thôi thúc chúng tôi tích cực đóng vai trò là cầu nối giữa Việt Nam và nhà đầu tư quốc tế, giới thiệu những cơ hội đầu tư hấp dẫn tại thị trường này, xây dựng hình ảnh đẹp của đất nước và thu hút vốn FDI chất lượng cao vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của các nguồn năng lượng truyền thống, đầu tư vào các ý tưởng công nghệ mang tính sáng tạo đột phá có thể tạo ra những thị trường hoàn toàn mới, mang lại thêm nhiều giá trị cho nền kinh tế Việt Nam và phúc lợi xã hội trong bối cảnh nền kinh tế số mới.
Trong năm nay, VinaCapital dự kiến lãi suất sẽ ổn định và nhà đầu tư sẽ tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận và định giá cổ phiếu. Điều này sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu tăng trong năm nay. Cụ thể, chúng tôi dự kiến lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ phục hồi từ không tăng trưởng trong năm 2023 lên mức tăng trưởng 10-15% trong năm 2024 và trên 20% năm 2025, và dự báo của chúng tôi thận trọng hơn so với đồng thuận thị trường tại thời điểm này.
Thêm vào đó, định giá rẻ của thị trường và một vài yếu tố hỗ trợ khác sẽ thúc đẩy thị trường tăng vào đầu năm 2024. Với mức tăng trưởng lợi nhuận như trên, P/E của VN-Index sẽ về mức khoảng 10 lần cho năm 2024, thấp hơn khoảng 26% so với mức định giá của các nước ASEAN-5 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan).
Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, họ mong muốn gì ở thị trường chứng khoán và thị trường vốn Việt Nam?
Như đã đề cập, các nhà đầu tư nước ngoài rất kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Những yếu tố về sự ổn định kinh tế - chính trị - xã hội, độ mở của nền kinh tế, cùng với các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của Việt Nam là chất xúc tác thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam thay vì các thị trường khác. Khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới cũng là một yếu tố hấp dẫn.
Về việc nâng hạng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với các cơ quan liên quan và các công ty chứng khoán đang nỗ lực để đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sớm và loại bỏ quy định các nhà đầu tư tổ chức phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch mua chứng khoán. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, chúng tôi ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell, và dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lên tới 5-8 tỉ đô la Mỹ.
Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường Việt Nam?
Các nhà đầu tư nên có một chiến lược đầu tư bài bản và kỷ luật, dựa trên phân tích cơ bản từng cổ phiếu, tránh mua những cổ phiếu không có nền tảng cơ bản hoặc định giá đắt; thận trọng khi sử dụng đòn bẩy tài chính. Đối với các nhà đầu tư không có đủ thời gian và kiến thức để tự đầu tư, có thể xem xét việc mua các quỹ mở để giảm thiểu rủi ro.
Xin cảm ơn ông!