(KTSG Online) - Giới đầu tư nước ngoài đã “xả” cổ phiếu của Trung Quốc với giá trị kỷ lục trong ba tháng đầu năm 2022 khi họ lo sợ về đợt bùng phát dịch Covd-19 mới và nguy cơ các nước phương Tây sẽ trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc nếu Bắc Kinh ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Quý bán ròng mạnh mẽ nhất của nhà đầu tư nước ngoài
Thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến làn sóng bán tháo vào đầu tuần này khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến, kéo dài sự sụt giảm dai dẳng từ đầu năm năm cho đến nay.
Đến giữa tuần, các nhà đầu tư trong nước đã “hoàn hồn” và quay trở lại mua cổ phiếu sau khi Bắc Kinh phát tín hiệu sẽ triển khai một gói biện pháp hỗ trợ thị trường. Song giới đầu tư nước ngoài vẫn còn e ngại.
Các nhà quản lý quỹ nói rằng sự khác biệt đó phản ánh một loạt lo ngại đã làm giảm giá trị của các công ty dẫn đầu đà tăng giá trên thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2020 nhờ thành công ban đầu của Bắc Kinh trong việc sử dụng chính sách “zero Covid” để chống đại dịch Covid-19.
Pruksa Iamthongthong, Giám đốc đầu tư cấp cao về vốn cổ phần châu Á ở Công ty quản lý tài sản Abrdn, nói: “Trong hai tuần qua, chứng khoán Trung Quốc rơi vào tình cảnh cực kỳ nguy cấp”.
Bà cho rằng niềm tin của giới đầu tư toàn cầu đối với chứng khoán Trung Quốc “quá thấp nên một số biến động này sẽ tiếp tục”.
Suốt năm qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc lẹt đẹt so với các thị trường lớn khác trên toàn cầu. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc (theo dõi biến động giá của 300 cổ phiếu lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) chỉ cao hơn 4% so với mức đạt được vào cuối năm 2019, khi Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm Covid-19. Chỉ số Nasdaq Golden Dragons, theo dõi cổ phiếu các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc được niêm yết ở thị trường chứng khoán New York, giảm đến 25%.
Để so sánh, trong cùng thời kỳ đó, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite, nơi quy tụ nhiều cổ phiếu của ngành công nghệ, tăng lần lượt khoảng 37 và 52%.
Sự tháo chạy của dòng vốn nước ngoài thông qua kênh giao dịch kết nối chứng khoán của Hồng Kông với Thượng Hải và Thâm Quyến bắt đầu vào ngày 7-3 và mạnh hơn vào đầu tuần này.
Tính đến phiên giao dịch 18-3, giá trị bán ròng cổ phiếu Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay đạt tổng cộng gần 40 tỉ nhân dân tệ (6 tỉ đô la), đánh dấu quý bán ròng mạnh nhất của họ kể từ khi chương trình giao dịch kết nối đó được triển khai vào năm 2014.
Các nhà phân tích chỉ ra ba lý do chính khiến giới đầu tư nước ngoài bán ròng: nguy cơ cổ phiếu Trung Quốc bị hủy niêm yết ở New York, số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh ở các thành phố lớn bao gồm Thượng Hải và Thâm Quyến, và mối lo ngại về khả năng Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Hồi đầu tuần này, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ xác định 5 công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết cổ phiếu ở New York nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ.
Các công ty nhà nước Trung Quốc được cho là đang cân nhắc mua hoặc tăng lượng cổ phần nắm giữ ở các công ty dầu khí và kim loại của Nga. Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng trong những ngày gần đây, Nga liên tục đề nghị Trung Quốc hỗ trợ thiết bị quân sự để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Washington cảnh báo sẽ hành động cứng rắn để chống lại bất kỳ công ty Trung Quốc nào vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Về phần mình, Bắc Kinh chỉ trích Washington xuyên tạc thông tin về vai trò của Trung Quốc trong chiến sự ở Ukraine.
Hôm 15-3, sau khi chứng khoán Trung Quốc ghi nhận ngày thứ hai giảm mạnh liên tiếp, Ngân hàng đầu tư JPMorgan (Mỹ) đã hạ bậc khuyến nghị đầu tư đối với 28 trong số 29 cổ phiếu internet ở Trung Quốc mà ngân hàng này theo dõi về mức trung tính hoặc giảm tỷ trọng nắm giữ. “Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tránh mua cổ phiếu internet của Trung Quốc trong thời gian từ 6-12 tháng tới”, các nhà phân tích của JPMorgan viết trong một báo cáo và cho biết lĩnh vực internet ở Trung Quốc không còn hấp dẫn và không có sự hỗ trợ giá trị trong ngắn hạn.
Một lãnh đạo tại chi nhánh Hồng Kông của một quỹ phòng hộ toàn cầu cho biết diễn biến đầu tuần này trên thị trường chứng khoán Trung Quốc “giống như năm 2015” khi bong bóng cổ phiếu nổ tung do sử dụng đòn bẩy quá lớn.
Bắc Kinh tìm cách vực dậy niềm tin thị trường
Nhưng hôm 15-3, Phó thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, cố vấn kinh tế thân cận nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, tuyên bố chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để “thúc đẩy nền kinh tế trong quý 1” và đưa ra “các chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán”.
Truyền thông nhà nước ngay lập tức đăng bài viết nhấn mạnh đến các trọng điểm trong tuyên bố từ cuộc họp đặc biệt của Ủy ban ổn định tài chính Trung Quốc mà ông Lưu Hạc vừa chủ trì, trong đó gồm lời kêu gọi “nhanh chóng hoàn thành việc chấn chỉnh các nền tảng công nghệ lớn của Trung Quốc” và quyết định loại bỏ việc thử nghiệm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực, vốn đang gây áp lực lớn cho các tập đoàn phát triển bất động sản.
Jessica Tea, chuyên gia đầu tư về thị trường chứng khoán Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương tại Công ty quản lý tài sản, BNP Paribas Asset Management, nói: “Chính phủ Trung Quốc muốn gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về sự hỗ trợ thị trường. Dường như Bắc Kinh đang dừng nỗ lực siết chặt chính sách quản lý để cung cấp thêm sự hỗ trợ và gia cố niềm tin cho thị trường”.
Một số ngân hàng đầu tư toàn cầu bắt đầu nâng triển vọng đầu tư đối với cổ phiếu Trung Quốc.
Hôm 17-3, Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) khuyến ghị nâng cao tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc.
Các nhà chiến lược ở Ngân hàng Citigroup (Mỹ) cũng đưa ra khuyến nghị tương tự vì cho rằng nếu Trung Quốc thực hiện các cam kết trên, điều này sẽ giúp xóa bỏ hầu hết mọi âu lo treo lơ lửng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Nhưng cả hai ngân hàng đều lưu ý việc mua thêm cổ phiếu Trung Quốc chỉ là hành động mang tính “chiến thuật” , dấu hiệu cho thấy hành động mua sẽ bị hạn chế hoặc chỉ nhắm đến các cổ phiếu cụ thể, thay vì tăng cường tiếp xúc với thị trường Trung Quốc nói chung.
Khuyến nghị của các ngân hàng cũng chỉ để tham khảo và không lường hết được các diễn biến bất ngờ. Chẳng hạn, hôm 7-2, các nhà chiến lược của Ngân hàng JPMorgan khuyến nghị tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nga vì đã giảm giá về các mức hấp dẫn. Nhưng vài tuần sau đó, những nhà đầu tư nắm giữ tài sản của Nga gần như mất trắng do tác động của các lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây.
Giới phân tích cũng cảnh báo rằng sau khi chứng khoán Trung Quốc hứng chịu “quá nhiều nỗi đau” trong suốt 12 tháng qua, cần có thời gian và hành động cụ thể để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu vốn đã nhiều lần bị vùi dập.
Thomas Gatley, nhà phân tích ở Công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định tuyên bố của Ủy ban ổn định tài chính sử dụng những từ ngữ tích cực đến mức nếu không thực hiện trong suốt tháng tới thì thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ rơi vào một đợt sụt giảm nữa.
Gatley nói thêm rằng tuyên bố cũng cẩn thận lựa chọn từ ngữ cho phép từ chối trách nhiệm một cách hợp lý nếu các ưu tiên của Bắc Kinh đột ngột thay đổi hoặc các cơ quan quản lý quản lý tiếp tục thúc đẩy các biện pháp chấn chỉnh ở các lĩnh vực như công nghệ và bất động sản.
Theo Financial Times, Bloomberg
Chiến tranh, giá cả đắt đỏ, dầu lên giá thì sản xuất đình đốn, nhất là hàng hoá xa xỉ. Cái ăn giờ đặt lên hàng đầu, cám mà lên giá gần gấp đôi…. Cổ phiếu công nghiệp down thôi!