Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tháo chạy khỏi chứng khoán Trung Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lo ngại khủng hoảng bất động sản kéo dài ở Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 23 tỉ nhân dân tệ (3,15 tỉ đô la Mỹ) cổ phiếu của các doanh nghiệp nước này trong tháng 9 tính đến ngày 20-9. Họ vẫn bán tháo cổ phiếu Trung Quốc bất chấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận một số dấu hiệu cải thiện về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp.

Dự án chung cư Wangjiang Mansion của tập đoàn bất động Country Garden đang thi công dang dở ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Cơn khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu chạm đáy là một trong những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán tháo cổ phiếu Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chương trình kết nối giao dịch chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trong tháng 9 chậm hơn so với tháng 8 khi họ bán ròng 12 tỉ đô la cổ phiếu Trung Quốc. Tuy vậy, thị trường cổ phiếu Trung Quốc đang hướng đến một trong những tháng mà vốn ngoại bị rút mạnh nhất trong năm nay.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tính đến cuối tháng 6, giá trị nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu và nợ của Trung Quốc đã giảm khoảng 1,37 nghìn tỉ nhân dân tệ (188 tỉ đô la Mỹ), tương đương 17%, so với mức đỉnh được thiết lập tháng 12-2021.

Chỉ số CSI 300, theo dõi các cổ phiếu hàng đầu của Trung Quốc, vẫn không thay đổi trong tuần này dù thị trường đón nhận dữ liệu tốt hơn dự kiến về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vào cuối tuần trước. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng China Enterprises, theo dõi cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân giao dịch ở thị trường Hồng Kông, đang giảm 2% trong tuần này.

“Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy và điều đó đã được xác nhận bằng dữ liệu. Nhưng về mặt thị trường, chúng tôi nhận thấy tâm lý chung tiếp tục rất bi quan”, Dong Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Á của Pictet Wealth Management, nói.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ tăng 4,6% trong tháng nước. Cả hai dữ liệu này đều đạt kết quả cao hơn dự báo của các nhà phân tích và cải thiện so với tháng 7.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc trong tháng 8 cao hơn một chút so với kỳ vọng, tăng từ 49,3 lên 49,7 điểm. Chỉ số này đang tiến gần hơn đến mức 50 điểm, ngưỡng phân biệt giữa mở rộng và thu hẹp. Một số liệu khác cũng cho thấy, lượng tiền cho vay mới của các ngân hàng Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 8, vượt dự báo.

Một số nhà đầu tư cho rằng dù kinh tế của Trung đang có có dấu hiệu chạm đáy, nhưng cái gọi là “sự bi quan đỉnh điểm” của các nhà đầu tư nước ngoài có thể kéo dài dai dẳng, do họ lo ngại về quan hệ Mỹ-Trung và các biện pháp thắt chặt quản lý của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân những năm gần đây.

Các nhà đầu tư lưu ý, các vấn đề trong nước, chẳng hạn như giá nhà sụt giảm và mức nợ chính quyền địa phương cao, là tín hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục trì trệ.

Prashant Bhayani, giám đốc đầu tư châu Á của BNP Paribas Wealth Management, nhận định, với bất động sản chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc, tình trạng sụt giảm doanh số bán bất động sản và giá nhà sẽ cản trở bất kỳ sự phục hồi nào do hoạt động tiêu dùng dẫn dắt.

Cuộc khảo sát của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ở 70 thành phố cho thấy giá nhà mới xây giảm gần 0,3% trong tháng 8, kéo dài đà sụt giảm bắt đầu từ tháng 6. Giá nhà hiện tại cũng giảm 0,48% trong tháng 8, tháng giảm tồi tệ nhất trong 9 năm.

Trong 10 ngày đầu tiên của tháng 9, doanh số bán nhà mới trung bình hàng ngày giảm 19,3% so với một năm trước, tốt hơn mức giảm 24% trong tháng 8, theo báo cáo của ngân hàng Nomura dựa vào cuộc khảo sát của Wind Information ở 21 thành phố lớn của Trung Quốc.

Gần đây, Moody hạ triển vọng ngành bất động sản của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực. Hãng xếp hạng tín nhiệm nợ quốc tế này dự báo doanh số bất động sản của Trung Quốc giảm khoảng 5% trong 6 đến 12 tháng tới.

“Nếu thị trường bất động sản chưa chạm đáy, người dân Trung Quốc sẽ không cảm thấy thoải mái khi chi tiêu vì đó là phần lớn nhất trong tài sản của họ”, Bhayani cho biết.

Ông nói thêm rằng, trong khi các kỳ vọng về một gói kích thích mạnh mẽ sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng 7 đã tan biến, Bắc Kinh có thể tiếp tục công bố thêm các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và khuyến khích tiêu dùng để vực dậy thị trường chứng khoán.

Bất chấp một loạt nhà phát triển bất động sản vỡ nợ  trái phiếu quốc tế trong năm nay, Bắc Kinh chỉ triển khai một số chính sách hỗ trợ có chọn lọc như hạ thấp khoản tiền cọc trả trước khi mua nhà cũng như lãi suất vay thế chấp.

Bắc Kinh cũng công bố các biện pháp hỗ trợ trực tiếp thị trường chứng khoán như giảm thuế giao dịch cổ phiếu và cho phép sử dụng đòn bẩy lớn hơn.

Sunil Tirumalai, nhà chiến lược vốn cổ phần của ngân hàng UBS, cho rằng các nhà đầu tư đang chờ đợi sự hỗ trợ chính sách bền vững hơn từ Bắc Kinh sau khi đợt phục hồi kinh tế ban đầu không đạt được kỳ vọng

“Dù thế nào đi nữa, cổ phiếu Trung Quốc vẫn rẻ nhưng tâm lý nghi ngờ vẫn chi phối thị trường chứng khoán”, ông nói.

“Nhà đầu tư nước ngoài đang bỏ cuộc. Họ lo lắng về thị trường bất động sản và sự suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc”, Zhikai Chen, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu ở thị trường mới nổi toàn cầu và châu Á của BNP Paribas Asset Management, bình luận.

Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới