Chủ Nhật, 23/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư Phố Wall lạc quan về thị trường bù đắp carbon

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc chính phủ Mỹ công bố hướng dẫn sử dụng tín chỉ bù đắp carbon trên thị trường tự nguyện được giới đầu tư ở Phố Wall xem là thời khắc quan trọng để thị trường này bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Một khu rừng ở Zimbabwe, từng là một trong những nguồn bù đắp carbon lớn nhất thế giới trước khi rơi vào tình trạng hỗn loạn vào năm ngoái do một đối tác rút khỏi dự án bảo vệ rừng ở nước này. Ảnh: AFP

Thị trường bù đắp carbon bị hoài nghi

Vào mùa hè năm 2022, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson, Chủ tịch của Rise Climate, quỹ đầu tư xanh của Công ty quản lý tài sản TPG (Mỹ) yêu cầu Tom Montag, một chuyên gia tài chính kỳ cựu ở Phố Wall, giải quyết vấn đề bù đắp phát thải carbon.

Ông Paulson muốn xây dựng một công ty mới trị giá hàng triệu đô la có tên gọi Rubicon Carbon để mua các tín chỉ carbon được tạo ra bằng việc tài trợ cho các dự án trồng rừng hoặc hỗ trợ các trang trại điện gió. Ông xem đây là cách để những công ty gây ô nhiễm bù đắp cho lượng phát thải carbon.

Một loạt các cam kết của giới doanh nghiệp nhằm giải quyết vấn đề phát thải đang hỗ trợ một thị trường bù đắp carbon, hiện có quy mô nhỏ với trị giá khoảng 1 tỉ đô la. TPG đã bơm 300 triệu đô la Mỹ vào Rubicon Carbon. Ngân hàng Bank of America  (BofA) cũng góp vốn vào công ty này và ngân hàng JPMorgan Chase tham gia với tư cách là đối tác chiến lược.

Montag cũng là CEO của Rubicon Carbon, cho biết mục tiêu của công ty là “giải phóng càng nhiều tài chính carbon càng tốt”. Tuy nhiên, một loạt vụ bê bối liên quan đến tín chỉ carbon đã đặt ra những hoài nghi về cơn bùng nổ được mong đợi trên thị trường bù đắp carbon. Năm ngoái, một dự án bảo vệ rừng ở Zimbabwe đã sụp đổ sau khi bán được 100 triệu đô la tín chỉ bù đắp carbon cho hàng chục doanh nghiệp lớn như Volkswagen, Nestle, L’Oreal, Gucci, McKinsey…

Một đối tác đã rút khỏi dự án giữa lúc Bloomberg đăng bài điều tra chỉ ra rằng, dự án thổi phồng lợi ích khí hậu đến 5 lần và chi trả tiền ít hơn so với cam kết cho người dân địa phương, những người đảm nhận nhiệm vụ chống phá rừng. Nhiều vụ kiện nhắm vào những công ty bao gồm hai hãng hàng không Delta Air Lines và KLM (Hà Lan) với cáo buộc đưa ra tuyên bố sai sự thật về bù đắp carbon. Những diễn biến này khiến nhà đầu tư trên thị trường bù đắp carbon chùn tay.

Giá tín chỉ bù đắp carbon do MSCI theo dõi đạt đỉnh điểm vào năm 2022 và đi vào xu hướng giám kể từ đó. Một tín chỉ carbon tương đương 1 tấn khí carbon.

“Thị trường không phát triển nhanh như tôi mong đợi. Có quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết khiến các công ty e ngại và chờ xem tình hình diễn ra như thế nào”, Montag nói.

Thị trường carbon phát triển đang góp phần thúc đẩy tái tạo nhiều cánh rừng ở Brazil. Ảnh. TL

Tiềm năng 1.000 tỉ đô la

Montag, CEO của Rubicon Carbon và những người nhà đầu tư tín chỉ bù đắp carbon khác ở Phố Wall không nao núng. Họ vẫn tin rằng các công ty và chính phủ cuối cùng sẽ xem bù đắp carbon như một giải pháp khí hậu không thể thiếu trong cuộc chạy đua của thế giới để đạt được mức phát thải ròng bằng zero (Net-Zero)

Tháng trước, Rubicon Carbon đã ký một thỏa thuận hợp tác với Microsoft, một trong những công ty mua tín chỉ bù đắp carbon lớn nhất thế giới để tạo ra tín chỉ carbon từ một dự án trồng rừng ở Panama, một quốc gia ở Trung Mỹ.

Những nhà đầu tư bù đắp carbon gần đây nhận cũng nhận được nhiều tin vui. Hồi cuối tháng 5, các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm vừa công bố hướng dẫn chính thức đầu tiên cho thị trường bù đắp carbon tự nguyện. Hướng dẫn này cho phép doanh nghiệp sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp phát thải từ khách hàng và nhà cung cấp hay còn gọi là phát thải phạm vi 3.

“Chúng ta đang tiến một bước gần hơn để tạo ra thị trường carbon toàn cầu”, Bill Winters, CEO của ngân hàng Standard Chartered (Anh) nói và cho biết thêm động thái ban hành hướng dẫn thị trường bù đắp carbon tự nguyên của Mỹ giống như “lời mời gọi những người khác ủng hộ” thị trường này.

Một số ngân hàng lớn nhất ở Phố Wall đang nhập cuộc. JPMorgan, Bank of America và Barclays đã xây dựng các bộ phận giao dịch và tài trợ carbon. Ngân hàng Citigroup đang nghiên cứu cách sử dụng tín chỉ carbon để giảm rủi ro khi tài trợ cho các dự án xanh ở các nước đang phát triển. Ngân hàng Goldman Sachs và Công ty quản lý tài sản Mirova đã thành lập các quỹ cho phép các công ty đầu tư vào các dự án xanh và thu lợi nhuận từ tín chỉ carbon. Các nhà phân tích của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF) dự đoán, quy mô thị trường bù đắp carbon toàn cầu sẽ tăng lên tới 1 nghìn tỉ đô la Mỹ trong vòng ba thập niên tới.

Vẫn còn nhiều thách thức

Các chỉ bù đắp carbon đã tồn tại hơn ba thập niên. Về lý thuyết, chúng được xem là một giải pháp cho câu hỏi: Làm thế nào những khu vực giàu có nhất hành tinh, chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải nhà kính trong lịch sử, có thể nhanh chóng chuyển hàng trăm tỉ đô la vào các dự án xanh ở các nền kinh tế đang phát triển?

Tuy nhiên, ngay cả với sự quan tâm nhiệt tình từ Phố Wall, thị trường bù đắp carbon vẫn chật vật phát triển. Vấn đề lớn hiện nay là khó có thể đo lường một cách đáng tin cậy tác động tích cức đến khí hậu của các dự án sản xuất tín chỉ carbon. Những người hoài nghi lo ngại việc có thể mua các tín chỉ bù đắp carbon rẻ tiền sẽ ngăn cản các công ty đầu tư vào công nghệ để hạn chế lượng phát thải do doanh nghiệp tạo ra.

Ngoài ra, chưa có đồng thuận về cách các công ty sử dụng tín chỉ bù đắp carbon để phục vụ kế hoạch Net-Zero. Cho đến gần đây, các tổ chức uy tín về thị trường carbon kêu gọi các công ty hạn chế sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp 10% cuối cùng trong tổng lượng phát thải của họ.

Một số ý kiến cho rằng con số này quá hạn chế. Việc các quan chức cấp cao Mỹ đưa ra hướng dẫn ủng hộ sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải phạm vi 3 đánh dấu một chiến thắng cho những người ủng hộ thị trường carbon. Lượng khí thải từ các nhà cung cấp và khách hàng thường là khí thải khó cắt giảm nhất đối với các công ty, đặc biệt là các công ty dầu mỏ, nơi khí thải phạm vi 3 chiếm phần lớn tổng lượng phát thải.

Sự không chắc chắn về chính sách kết hợp với các cáo buộc “tẩy rửa xanh” rộ lên trong những năm qua đã khiến nhiều công ty thận trọng khi mua tín chỉ bù đắp carbon.

Tiếng nói hỗ trợ của chính phủ Mỹ được kỳ vọng sẽ mở ra động lực tăng trưởng mới cho thị trường bù đắp carbon tự nguyện.

Hiện tại, nhu cầu trên thị trường này phụ thuộc  vào những các công ty mua tín chỉ carbon để nâng cao danh tiếng xanh của họ, do vậy, quy mô vẫn còn nhỏ. Đối với các thị trường carbon được quản lý (hay còn còn là thị trường tuân thủ), quy mô lớn hơn nhiều, trị giá gần 100 tỉ đô la, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB). Ở các thị trường này, các doanh nghiệp gây ô nhiễm bị bắt buộc mua giấy phép carbon hoặc nộp thuế carbon. Việc cho phép sử dụng tín chỉ bù đắp carbon các thị trường quản lý sẽ khắc phục được trở ngại lớn cho thị trường tự nguyện.

Một số nước, bao gồm Colombia và Úc đã cho phép các công ty sử dụng tín chỉ bù đắp carbon được tạo ra trong nước để giảm chi phí thuế carbon. Trung Quốc, nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, nằm trong số những nước đang nghiên cứu sử dụng các tín chỉ  bù đắp carbon trên thị trường quốc tế cho các thị trường carbon được quản lý trong nước.

Trong khi đó, cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh việc liệu Liên minh châu Âu (EU) có nên cho phép sử dụng tín chỉ  bù đắp carbon trong Hệ thống thương mại phát thải (ETS) trị giá 47 tỉ đô la của khối này hay không.

 Theo Bloomberg

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới