Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà đầu tư phương Tây bán vàng, Trung Quốc mua vào

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tháng 2, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng trên toàn cầu chứng kiến dòng vốn bị rút ròng tháng thứ chín liên tiếp. Nhưng vốn chủ yếu bị rút ra từ các quỹ ETF ở Bắc Mỹ và châu Âu. Lượng vàng nắm giữ ở các quỹ ETF tại châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên. Đó là một trong những lý do giải thích cho cú bứt tốc của thị trường vàng trong tuần qua.

Một tiệm vàng ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Người dân Trung Quốc đang tích mua tích trữ vàng để bảo vệ tài sản trước cơn bất ổn của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Ảnh: Xinhua

Nhà đầu tư ở Bắc Mỹ, châu Âu bán vàng

Báo cáo mới phát hành của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, trong tháng 2 dòng vốn tiếp tục chảy ròng ra khỏi các quỹ ETF vàng trên toàn cầu khi nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất sớm.

Theo WGC, tổng giá trị tài sản ở các quỹ ETF vàng giảm 2,9 tỉ đô la Mỹ trong tháng trước, xuống còn 206,3 tỉ đô la. Mức giảm này một phần do giá vàng giảm 0,3% trong cùng tháng. Trong khi đó, khối lượng vàng vật chất ở các quỹ này giảm 49 tấn xuống còn 3.126 tấn, đánh dấu tháng thứ chín liên tiếp suy giảm.

Dữ liệu của WGC cho thấy, kể từ đầu năm vốn rút ròng khỏi các quỹ ETF vàng lên tới 5,7 tỉ đô la Mỹ. Nhưng diễn biến này tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ, nơi các quỹ bị rút ròng 4,7 tỉ đô la. Đây là mức rút vốn cao nhất từ các quỹ ETF vàng ở khu vực trong hai tháng đầu năm của bất cứ năm nào, ngoại trừ năm 2013.

Trong hai tháng đầu năm, khối lượng vàng mà các quỹ ở Bắc Mỹ nắm giữ giảm 37 tấn, xuống 1.570 tấn. Trong khi tổng giá trị tài sản của họ giảm 2,4 tỉ đô la, xuống 103,3 tỉ đô la.

Theo WGC, các yếu tố góp phần vào xu hướng này bao gồm thị trường lao động mạnh mẽ, lạm phát cao hơn dự kiến ở Mỹ cũng như nhà đầu tư giảm kỳ vọng về khả năng Fed xoay trục chính sách tiền tệ sớm. Sự phục hồi của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng đô la mạnh hơn càng gây áp lực lên giá vàng và lượng vàng nắm của các quỹ ETF ở khu vực Bắc Mỹ. Sức mạnh của chứng khoán Mỹ cũng khiến nhà đầu tư chuyển sự chú ý khỏi vàng.

Ngoại trừ châu Á, nơi các quỹ ETF chứng kiến dòng vốn ròng chảy vào liên tiếp, các khu vực khác ghi nhận vốn bị rút ròng nhẹ. Các quỹ ETF vàng ở châu Âu bị rút ròng 719 triệu đô la trong tháng 2, đánh dấu tháng rút ròng thứ chín liên tiếp. Tuy nhiên, WGC lưu ý, lượng vốn rút ròng từ các quỹ ETF trên toàn cầu trong tháng trước giảm xuống mức thấp kể từ tháng 10 năm ngoái.

Căng thẳng địa chính trị, bao gồm xung đột ở Nga-Ukraine, Israel-Hamas cùng với chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân tộc tài nguyên dâng cao đã góp phần làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thêm sự quan tâm đến vàng.

Bất chấp dòng vốn chảy ra liên tục từ các quỹ ETF, giá vàng liên tiếp chạm các mức cao kỷ lục mới trong tuần này. Chốt phiên giao dịch hôm 8-3, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng 0,89%, lên mức 2.179 đô la/ounce. Trong phiên, giá vàng có lúc chạm đỉnh mọi thời đại với 2.195 đô la Mỹ/ounce. Trong 12 tháng qua, giá vàng đã tăng khoảng 19%.

Nhu cầu của Trung Quốc thúc đẩy giá vàng?

Cú bứt tốc giá vàng trong tuần qua gây bất ngờ. Giá kim loại quí này thường tăng mạnh trước những diễn biến kinh tế hoặc địa chính trị gây chấn động toàn cầu. Nhưng gần đây không có biến động đáng chú ý nào để biện minh cho sự gia tăng này. Giới phân tích đưa ra các giải thích khác nhau, từ khả năng các quỹ đầu tư lớn đang quan tâm vàng trở lại cho đến vai trò của tổ chức giao dịch dựa vào thuật toán, đầu tư theo xu hướng của thị trường thúc đẩy sự biến động của giá vàng.

Các nhà phân tích lý giải, giá vàng tăng mạnh trong tuần qua nhờ nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc cũng như kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 6 tới. Trong khi nhiều nhà đầu tư phương Tây bán tháo vàng khi lãi suất tăng vọt hồi năm ngoái, nhu cầu vàng toàn cầu được củng cố bởi hoạt động mua vàng ồ ạt của các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi mà dẫn đầu là Trung Quốc. Người tiêu dùng ở Trung Quốc cũng đang mua tích trữ vàng xu, vàng miếng và trang sức vàng bất chấp giá cao để bảo vệ tài sản trước tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và lĩnh vực bất động sản trong nước.

Theo dữ liệu chính thức công bố hôm 7-3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua thêm 390.000 ounce troy vàng trong tháng 2 (1 ounce troy tương đương 1,09714 ounce). Tổng cộng, sau khi mua ròng 16 tháng liên tiếp, PBoC đang nắm giữ 72,58 triệu ounce troy vàng, tương đương khoảng 2.257 tấn.

“Nhu cầu của khu vực ngân hàng trung ương đối với vàng vẫn mạnh mẽ. Điều đó rõ ràng giúp thúc đẩy giá vàng khi nhiều nước xem kim loại quí này như một tài sản trú ẩn an toàn trước triển vọng địa chính trị ngày càng tồi tệ”, Adrian Ash, giám đốc nghiên cứu của BullionVault nói trong cuộc phỏng vấn với MarketWatch.

Mức giá cao kỷ lục của vàng trong tuần này gợi nhớ cơn sốt mua vàng 44 năm trước. Năm 1979, giá vàng tăng gấp đôi khi cuộc cách mạng Hồi giáo diễn ra ở Iran, khiến nhà vua  Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ, đồng thời xung đột Liên Xô- Afghanistan nổ ra. Cả hai sự kiện này làm nổi bật vai trò tài sản trú ẩn an toàn của vàng.

Hiện nay, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn nhằm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ và cuộc chiến dai dẳng giữa Nga và Ukraine đang làm gia tăng rủi ro địa chính trị.

“Các nhà đầu tư phương Tây không thúc đẩy thị trường vàng. Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay và trong suốt năm ngoái, Trung Quốc vẫn là động lực thúc đẩy giá vàng. Nhưng đó không hẳn là nguyên nhân chính đằng sau đợt tăng lần nay”, Bernard Dahdah, nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng Natixis bình luận.

Tính đến tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã mua ròng vàng trong 16 tháng liên tiếp và hiện nắm giữ 72,58 triệu ounce troy vàng, tương đương khoảng 2.257 tấn. Ảnh: Bloomberg

Thị trường phụ thuộc vào triển vọng xoay trục của Fed


Dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy, các nhà quản lý tiền tệ đã mua mạnh vàng trong tuần tính đến ngày 5-3, ngày mà giá vàng vượt qua kỷ lục trước đó.

Dù vậy, vàng vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mức đỉnh sau khi điều chỉnh theo lạm phát được thiết lập cách đây hơn một thập niên. Vàng đã tăng giá  hơn 600% kể từ đầu thiên niên kỷ mới, nhưng sau khi điều chỉnh theo lạm phát, giá vàng hiện tại thấp hơn mức đỉnh 850 đô la/ounce thiết lập vào tháng 1-1980, có sức mua tương đương hơn 3.000 đô la Mỹ ngày nay.

Mức tăng gần đây của giá vàng vẫn tương đối khiêm tốn so với một số đợt tăng giá kỷ lục của kim loại quí này trong quá khứ. Điều đó một phần là do giá đã tăng cao nhờ hoạt động mua của các ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối để thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Max Belmont, nhà quản lý danh mục đầu tư của First Eagle Gold Fund cho rằng, nhu cầu của khu vực ngân hàng trung ương “tạo vùng đệm cho giá vàng”. Nhưng ông lưu ý, các ngân hàng trung ương ở các nước phương Đông, dẫn đầu là Trung Quốc, chứ không phải phương Tây, đang mua gom vàng.

Nếu sức mua của Trung Quốc là trụ đỡ cho thị trường vàng, chính sách của Fed có thể vẫn là động lực chính của thị trường trong thời gian tới.  Triển xoay trục chính sách của Fed đang hỗ trợ thị trường  kể từ giữa tháng 2. Các thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 tới. Chi phí đi vay thấp hơn thường có lợi cho vàng vì kim loại quí này không mang lại bất kỳ lãi suất nào cho người nắm giữ.

Điều đó có nghĩa là các dữ liệu kinh tế của Mỹ, bao gồm cả số liệu lạm phát mới nhất công bố vào tuần tới sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Adrian Ash, giám đốc nghiên cứu của BullionVault nhận định, trong ngắn hạn, một số nhà đầu tư vàng có thể chọn chốt lợi nhuận và điều này sẽ tác động đến giá cả. Nhưng nhìn chung, bối cảnh thị trường hiện nay có thể tiếp tục thúc đẩy giá vàng. Dù có nhiều điểm tương đồng khi so sánh đợt phá kỷ lục giá mới nhất và các đỉnh của giá vàng trước đó, vai trò của các ngân hàng trung ương và lực mua từ châu Á tạo nên sự khác biệt.

“Hành vi thị trường vàng hiện tại, với đặc trưng là mức giá cao kỷ lục được thiết lập hàng ngày, là điều chưa từng có. Đặc trưng này nhấn mạnh sự phức tạp của động lực thị trường hiện nay và sự đa dạng của các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng”, Alexander Zumpfe, nhà giao dịch cấp cao của Heraeus Group, công ty tinh luyện vàng ở Đức, nói.

Theo Bloomberg, Gold.org

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới