Nhà mạng chờ cơ hội từ đấu giá băng tần 2,6 GHz cho 4G
Yến Hoàng
(TBKTSG Online) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị các thủ tục để đấu giá băng tần 2,6 GHz cho 4G. Theo đó, doanh nghiệp chưa có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất vẫn được tham gia đấu giá, một tín hiệu mới cho thị trường viễn thông di động của nước ta.
Ảnh minh họa Thành Hoa |
Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa có công văn về việc lấy ý kiến tham vấn về một số nội dung liên quan đến việc đấu giá băng tần 2.6 GHz. Công văn chỉ rõ, các doanh nghiệp chỉ được triển khai sau 24 tháng kể từ khi được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2.6 GHz. Đây sẽ là một điều kiện được quy định trong giấy phép sử dụng tần số và nếu doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị thu hồi.
Doanh nghiệp tham gia đấu giá sẽ bao gồm cả doanh nghiệp đã có giấy phép và cả doanh nghiệp chưa có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất. Với các doanh nghiệp đã có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất phải cam kết triển khai ít nhất 5.000 trạm eNodeB trên băng tần 2,6 GHz trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng.
Đối với doanh nghiệp chưa có giấy phép phải cam kết trong giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông chỉ được phép cung cấp dịch vụ viễn thông sau khi đã triển khai ít nhất 50% cam kết triển khai mạng lưới. Trong đó, doanh nghiệp được phép lựa chọn một trong hai phương án sau.
Phương án 1, doanh nghiệp phải cam kết tại thời điểm 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2.6 GHz có vùng cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ 4G trên tất cả các quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và đạt tối thiểu 75% tổng dân số của các quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Phương án 2 là cam kết tại thời điểm 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2,6 GHz triển khai dịch vụ sử dụng công nghệ 4G trên tất cả các quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và đạt tối thiểu 8500 trạm eNodeB.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc quy hoạch lại băng tần 2,6 GHz cho dịch vụ di động 4G nhằm mục tiêu chính là cung cấp băng tần để nâng cao chất lượng dịch vụ của mạng khi kết hợp với những băng tần có sẵn, nâng cao tốc độ truy cập với những khu vực đông dân cư, nhu cầu sử dụng dữ liệu cao như ở các thành phố lớn.
Việc đấu giá băng tần 2,6 GHz cho dịch vụ di động 4G là nhằm mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp khi trúng đấu giá băng tần sẽ đầu tư, nâng cao chất lượng 4G, góp phần phổ biến dịch vụ này tới đông đảo người dân, tránh hiện tượng đầu cơ không có lợi cho người tiêu dùng.
Mạng 4G bắt đầu được thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 2016 và phát triển cho đến nay. Tuy nhiên, hiện nay lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Do đó việc đấu giá, khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G đã được các cơ quan chức năng nhiều lần đặt ra. |