Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy 200.000 nhân công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà máy 200.000 nhân công

Một góc nhà máy của Foxconn tại Long Hoa (Thâm Quyến)

(TBKTSG)- Tại nhà máy Foxconn ở Trung Quốc có hơn 200.000 nhân công làm việc. Họ sản xuất tất cả những gì liên quan đến hàng điện tử gia dụng, từ iPod đến điện thoại di động Motorola.

Một xa lộ trên không chạy vắt ngang trên thành phố, riêng biệt và chỉ chạm đất khi vào đến bên trong nhà máy. Nhìn từ phía dưới, con đường như một ống chuyển thức ăn cực lớn để nuôi một gã khổng lồ không bao giờ biết no. Nó cuốn đi những luồng xe tải mang đến cho gã phàm ăn này silic, chất dẻo, chíp điện tử…

Và cũng trên con đường đó, những chiếc xe tải khác không ngừng chạy ra ngoài, mang theo các lô máy nghe nhạc iPod, điện thoại di động, máy trò chơi điện tử đã được đóng gói hoàn chỉnh. Tất cả những sản phẩm này sẽ được bày bán trong các cửa hàng trên toàn thế giới. Sẽ không có ai nghĩ đến nơi đã cho ra đời những sản phẩm ấy. Và cũng không ai nghĩ đến đội ngũ phi thường đã làm ra các mặt hàng nói trên. Đó là 200.000 công nhân ra vào suốt ngày đêm qua bốn chiếc cổng lớn, những con người luôn ăn uống vội vã để kịp trở về với các dây chuyền sản xuất.

Đó là nhà máy Foxconn ở Long Hoa gần Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi sản xuất các loại iPhone, iPod, điện thoại di động Motorola và Nokia, máy vi tính Dell và Hewlett-Packard, máy chơi trò chơi điện tử Nintendo và Sony… Nếu cụm từ “nhà máy của thế giới” có ý nghĩa thì đây chính là nơi ý nghĩa ấy được thể hiện một cách đầy đủ nhất. 

Những tòa nhà lớn màu trắng được đánh số trải dài đến xa tít tắp. Nếu đi bằng taxi vòng quanh khu nhà máy phải đi hết 23 ki lô mét… Trên những con đường nhỏ xung quanh, rất dễ nhận ra các công nhân: nam áo blouson xanh, nữ áo blouson hồng và xám. Họ đều còn rất trẻ vì nhà máy không tuyển nhân công quá 25 tuổi và không có tay nghề.

Nhà máy Foxconn trông giống như một thành phố biệt lập và cấm người ngoài ra vào. Dưới cái cổng lớn ở mỗi lối vào đều có bảo vệ mặc đồng phục. Bất cứ ai đến gần 10 mét mà không đeo phù hiệu sẽ bị cảnh báo bằng một hồi còi. Và những tay bảo vệ này không bao giờ biết cười.

Nhà báo không được phép vào trong nhà máy. Không hẹn được cuộc nào. Thậm chí cả tùy viên báo chí sứ quán Pháp cũng vậy. Ông chủ nhà máy, người Đài Loan, Terry Gou, được tạp chí Forbes xếp hạng giàu thứ 52 thế giới. Ông ta rất cẩn thận.

Năm ngoái, một phóng viên người Anh từng tố giác điều kiện làm việc tồi tệ của “thành phố iPod” này. Hãng Apple, chủ thương hiệu iPhone, iPod đã phải yêu cầu một cuộc kiểm toán để xoa dịu cuộc tranh luận. Nhưng rồi không có thêm một lời giải thích nào nữa. “Chúng tôi không muốn trao đổi về vấn đề này”, người phát ngôn của Apple trả lời như vậy. Kết quả của sự thận trọng này là: ít nhất trong phạm vi 100 mét từ hàng rào lưới sắt, không thể bắt chuyện với bất kỳ một ai. Nhưng, ở bên ngoài hàng rào, việc trao đổi có vẻ dễ dàng hơn.

Li Hong, 20 tuổi, làm việc ở đây đã được hai năm. Cô từ Hồ Nam đến. Hồ Nam là một tỉnh nghèo. Cô cho biết: “Tôi may mắn được làm việc ở bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tôi không làm trên dây chuyền nên đỡ mệt hơn, nhưng cũng vì thế nên không làm thêm được nhiều.” Ở đây, làm thêm là cả một sự ám ảnh. Không ai có ý định coi đây là một “nghề” lâu dài nên phải tăng ca hết mức có thể. Mức lương tối thiểu là 810 nhân dân tệ một tháng (81 euro), nhưng Li Hong nhận được gần 120 euro nhờ làm thêm.

Có hàng ngàn công nhân la cà xung quanh nhà máy, nhấm nháp thứ gì đó, hoặc gọi về cho gia đình từ một trong rất nhiều trạm điện thoại công cộng. Cũng có những người mải mê với trò chơi trực tuyến trong các quán cà phê Internet hoặc chơi bida với giá 0,3 euro một giờ.Zang Yu, 20 tuổi, đến từ Kiến Tây, đang chơi bida, cho biết anh đọc thông báo tuyển người trên Internet và đã đến đây. “Tôi sẽ làm việc nhiều nhất là một năm. Tôi muốn rời nhà để tìm hiểu thế giới bên ngoài”, anh thổ lộ với phóng viên trong một tiệm karaoke ở bên cạnh, sau khi rời bàn bida. Zang mơ ước trở thành chủ doanh nghiệp, giống như ông chủ của mình: “Terry Gou là hình mẫu của tôi”.

Trong khi chờ đợi, giống như những người khác, anh thấy rằng điều kiện làm việc rất khắc nghiệt. “Theo nguyên tắc, có một ngày nghỉ bắt buộc mỗi tuần. Nhưng hầu như chẳng có ai nghỉ cả.” Zang không phàn nàn gì về việc này vì anh hy vọng năm nay sẽ có 300 euro để gửi về cho gia đình. “Chuyện như vậy đó”, Zang giải thích, “Trong những khu nội trú, người ta cứ đến rồi đi. Không bao giờ ổn định cả”. 

Một cán bộ trung cấp của Foxconn cho biết, trên thực tế, số lượng nhân công ở đây đang giảm xuống. Các ưu đãi về thuế đã bị giảm và lương công nhân thì quá cao. Vì thế, theo ông, tất cả sẽ được di chuyển vào những vùng sâu trong nội địa Trung Quốc. Đó là những vùng đất nghèo, người ta cần phát triển nên có những điều kiện ưu đãi hơn vùng duyên hải như Thâm Quyến.“Nhà máy của thế giới” sẽ di chuyển. Foxconn tiếp tục tìm kiếm nhân công với giá rẻ hơn. Tất nhiên, nó sẽ kéo theo xa lộ, và cả những luồng xe tải.

NGỌC TRUNG (Theo Le Point)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới