(KTSG Online) – Nhà máy đường Phụng Hiệp của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), được biết đến là nhà máy lớn nhất miền Tây, đã chính thức đóng cửa trong vụ ép 2024-2025. Đây là kết quả được thông qua sau khi Casuco lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ vừa ký quyết nghị Đại hội đồng cổ đông của Casuco, thông qua phương án tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2024-2025 và chấp nhận kết quả sản xuất kinh doanh lỗ 20,332 tỉ đồng với phương án này.
Đại hội đồng cổ đông biểu quyết bằng văn bản cũng thống nhất thông qua việc xây dựng phương án tiêu thụ 29.454 tấn mía nguyên liệu đã ký hợp đồng đầu tư với nông dân trong niên vụ 2024-2025 cho các đối tượng khác, chấp nhận phát sinh chi phí vận chuyển, hao hụt.
Đồng thời, Casuco cũng tiến hành bảo quản, sửa chữa thiết bị nhà máy nhằm tránh trình trạng xuống cấp khi phải tạm dừng sản xuất vụ 2024-2025; để chủ động đón đầu và đáp ứng sẵn sàng khi phục hồi vùng nguyên liệu đủ điều kiện để đưa nhà máy hoạt động trở lại kịp thời, đúng vụ ép những năm tiếp theo (chi phí này khoảng 5,315 tỉ đồng).
Báo cáo của Casuco về việc đầu tư vùng nguyên liệu cho thấy, vụ 2024-2025, đơn vị này đã ký hợp đồng với 237 hộ nông dân để sản xuất trên 245 héc ta mía nguyên liệu, với sản lượng 29.454 tấn, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đầu tư 700 héc ta của vụ 2024-2025.
Được biết, tổng diện tích sản xuất mía vụ 2024-2025 ở các khu vực sản xuất trọng điểm chỉ đạt khoảng 1.483 héc ta, tăng gần 40 héc ta so với vụ 2023-2024, những giảm rất nhiều so với thời điểm cách đây 5-6 năm.
Do tình hình hoạt động của các nhà máy đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng không hiệu quả, cho nên, nông dân đã thu hẹp dần diện tích, trong đó, phần diện tích sản xuất còn lại đa phần được bán mía chục (mía ép lấy nước giải khát).
Thực tế, trong tổng số 1.483 héc ta của vụ 2024-2025, thì có đến gần 860 héc ta diện tích được nông dân sản xuất để bán mía chục, còn lại trên 623 héc ta sản xuất mía nguyên liệu cho nhà máy đường, trong đó, diện tích Casuco bao tiêu chỉ trên 245 héc ta.
Với việc tạm dừng nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2024-2025, Casuco đã có hai mùa vụ liên tiếp đóng cửa nhà máy này.
Ở vụ ép gần nhất, tức vụ 2022-2023, nhà máy đường Phụng Hiệp của Casuco chỉ ép được 14.516 tấn mía (kế hoạch ban đầu là 80.000 tấn), với kết quả hoạt động lỗ trên 21,3 tỉ đồng (kế hoạch ban đầu là lãi 2,02 tỉ đồng).
Trao đổi với KTSG Online trước đây, ông Phạm Quang Vinh, Thành viên HĐQT của Casuco xác nhận, thời kỳ đỉnh cao, khu vực ĐBSCL có cả chục nhà máy đường hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn ba nhà máy nhưng trong trạng thái cầm chừng.
Theo đó, ba nhà máy, gồm Nhà máy đường Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh); Nhà máy đường Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) và Nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).
Trong khi đó, đã có ít nhất 7 nhà máy đường ở vùng ĐBSCL đã đóng cửa, gồm Nhà máy đường Hiệp Hoà và Nhà máy đường NIVL (tỉnh Long An); nhà máy đường Bến Tre (tỉnh Bến Tre); Nhà máy đường Vị Thanh và Nhà máy đường Long Mỹ Phát (tỉnh Hậu Giang); Nhà máy đường Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang) và Nhà máy đường Thới Bình (tỉnh Cà Mau).