Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng
Thanh Thương
Hoạt động kinh doanh vàng sẽ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Thanh Thương |
(TBKTSG Online) - Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, theo đó nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
>>> Sẽ giảm số doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh vàng miếng
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP do Thủ tướng ký ban hành ngày 3-4 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-5 tới, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định.
Những nội dung trong nghị định vừa ban hành không khác so với dự thảo công bố trước đó. Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quy định tại nghị định này, NHNN được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối nhà nước. Cơ quan này thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng qua biện pháp xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng qua các hạn mức phù hợp từng thời kỳ; thực hiện mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, theo nghị định, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN sẽ tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định.
Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Doanh nghiệp được NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Còn đối với tổ chức tín dụng, NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Với các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Nghị định cũng quy định cụ thể các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng; bao gồm hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do NHNN cấp; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do NHNN cấp.
Các cá nhân mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh vượt mức quy định không có giấy phép do NHNN cấp cũng là hành vi vi phạm. Đặc biệt, sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật.
Cùng ngày, NHNN đã ra văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần: Á Châu, Đông Á, Xuất nhập khẩu Việt Nam, Sài Gòn Thương tín, Kỹ Thương Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn báo cáo về việc triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng.
Theo văn bản ngày 3-4, để khẩn trương triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần và công ty báo cáo chi tiết về mạng lưới mua, bán vàng miếng hiện nay của mỗi đơn vị (ghi rõ tên chi nhánh, cửa hàng; địa bàn tỉnh, thành phố, huyện, phường, xã).
Đồng thời, báo cáo kế hoạch, khả năng triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng trong hệ thống (trong đó có lộ trình mở rộng mạng lưới các chi nhánh, địa điểm mua, bán vàng miếng). Báo cáo gửi về NHNN trước ngày 9-4.
Theo một nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online việc báo cáo trên cũng là cách để NHNN nắm được là mạng lưới cung cấp vàng có rộng khắp, dễ dàng đến với người dân hay không, trước khi ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24 vừa ban hành.